Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Vĩnh phú chớm đông -Entry for October 20, 2007



Vĩnh phú , mùa thu- chớm đông / 1972
Có lẽ đề tài này không hấp dẫn các bạn, nhưng không biết tại sao mình lại thèm được viết lại ký ức của một con nhóc, mình sợ để vài năm nữa, nó sẽ trôi tuột ra khỏi vùng ký ức và các em nhỏ sinh sau chiến tranh sẽ không biết mùi vị của chiến tranh đối với mấy đứa bé như mình ngày xưa là gì. Mình viết như một con điên, một con thiêu thân….
Trời sang thu se sắt, hơi lạnh bắt đầu về ôm ấp không gian yên tĩnh của vùng quê, lâu lâu không khí ấy bị đâm toạc ra bởi tiếng máy bay phản lực, và tiếng bom nổ xa xa. Mình cũng bắt đầu đi học lại. Ngôi trường mà mình đi học tạm trong thời sơ tán ấy là một dãy nhà tranh vách nứa, hở trên hở dưới , hai dãy bàn học khập khiễng, cập kênh, có bàn thì mất ghế, có ghế thì gãy bàn. Nền nhà được đắp đất đỏ nện chặt lại, trời mà mưa đi lạng quoạng trơn trợt té nhào. Lũ trẻ vùng quê thường hay đi chân đất đi học, nền nhà lúc nào cũng ươn ướt vì bọn nhỏ đi tắt lội qua một con mương để chui vào lớp cho gần. Cái phòng mình học cũng có cửa hẳn hoi, nhưng mà chỗ nào trên vách cũng chui vào được thay vì đi vào cửa.
Đến trường những ngày đầu tất cả học trò được huy động ra đào giao thông hào trong sân trường, bên cạnh lớp học. Cô giáo khen ngợi những đứa học trò nào đào nhiều, vác nặng là “cháu ngoan Bác Hồ” mình mặc dù là học trò thành thị nhưng vẫn cố gắng làm theo mấy đứa trẻ nhà quê để được cô khen là cháu ngoan bác Hồ, đào đất vác đất, cuốc đất mình cuốc bật cả móng chân cái, đau quá xuýt nữa té xỉu, cô ra mắng cho “cái đồ thành phố!” chỉ ăn hại. Thế là mình bị đẩy ra tuyến sau với thằng Quang nấu nước vối cho các bạn. Mà phải thừa nhận đám trẻ nông thôn lớn hơn đám trẻ thành phố cả cái đầu, chúng khoẻ mạnh dẻo dai và xốc vác. Bọn nó nhìn tụi mình như cái lũ từ lỗ nẻ chui lên. Và trên đường về nhà còn bị bọn nó ném đá, giật cặp sách ném xuống ruộng.
Hơn nửa tháng trôi qua, bắt đầu vào học văn hoá, mình trở thành con bé học giỏi nhất lớp nhưng không bao giờ được cô khen “Cháu ngoan bác Hồ” cả. Chỉ là luôn bị kêu lên để làm bài mẫu. Thật ấm ức khi mình đã cố gắng thành trò giỏi, vậy mà vẫn là đồ ăn hại đái nát – theo lời cô.
Hôm ấy, đi học về qua cái đập cống xiết nước, mình với thằng Quang cắp cặp rảo bước về nhà để trông em. Thằng Đức học cùng lớp chạy lên chặn đường bảo: “ Sao mày nhỏ tí mà dám học cùng lớp với ông?”, nó vừa hỏi vừa đưa tay tát mình, ngay lập tức, mình quăng cặp bảo thằng Quang ôm rồi nhảy xổ vào đấm nó, đánh nhau một lúc, mình đè nó xuống ngay bờ lạch, nó dãy mãi không ra, mình dúi đầu nó xuống nước, bảo nó: “ Mày tưởng mày cậy lớn đánh ông à, ông đánh cho mày chết” mỗi chữ mình mỗi dộng cho nó quả đấm. Nó sợ quá xin tha, mình thôi đấm, bảo: “ Mày nhớ nhé lần sau mày bắt nạt tao là tao cho mảy chảy máu mũi nhiều hơn thế này!” Mình lồm cồm đứng lên, nó vùng bỏ chạy thục mạng. Mình đi về nhà hân hoan huýt sáo, dù mắt bị đấm tím bầm, và cái áo bị rách toạc một đường dài, chắc là rách khi vật nhau với nó lăn cù cù trên vệ ruộng. Thằng Quang kính cẩn ôm cái cặp cho mình về tới nhà. Thằng Đức ấy cao hơn mình cả hơn cái đầu.
Chiều hôm ấy, mẹ thằng Đức dắt nó sang nhà mình mách với mẹ, bà ấy lu loa lên là mình gây sự đánh con bà ấy thâm tím hết cả mặt. Chắc vì đang ở nhờ, nên mẹ mình ra xin lỗi bà ấy và kéo mình ra cho mình mấy cái tát đau điếng. Mình lườm lườm thằng Đức bảo nó “ Ngày mai đi học ông cho mày biết tay” thế là nó dằng tay mẹ nó ra và ù té chạy.
Mình bắt đầu được cả đám trẻ nông thôn và thành thị nể phục sau vụ đánh thắng thằng Đức. Chúng nó cho mình đi chăn trâu cùng, cưỡi trâu chạy từ trên đỉnh đồi lao xuống dưới chân đồi. Đi học là chạy qua rủ mình đi cùng ríu rít chuyện trò. Chúng mình ra đồng đi gặt, đi mót lúa nếp, tụi nó dạy mình bẫy chuột đồng rồi gom rơm lại đốt nướng chuột để ăn. Cái mùi vị của chuột nướng nó ngọt ngào, đậm đà làm sao ấy, mỗi lần bắt được cả 4,5 con nướng lên không đủ nhét kẽ răng cái đám lau nhau tớ. Hôm nào đói quá thì đi vợt châu chấu, bắt ong non, bọn mình rang lên ăn như ăn lạc rang, bùi bùi béo ngậy. Tớ hay đút túi quần vài con châu chấu rang về đút cho con Phương ăn chơi, nó cũng khoái lắm.
Mình trở thành trẻ nông thôn từ dạo ấy- đen trui trũi và chẳng ốm đau lặt vặt gì nữa, mấy cái trò hen xuyễn cũng biến mất. Và suốt ngày đi chân đất, gánh nước, gánh rơm cho bà con láng giềng khi hết vụ.
Mấy mẹ con mua được hai lạng tép họ đánh, mẹ rang lên với muối phủ trắng con tép là ba mẹ con ăn được cả tuần. Một bữa cơm mình được ăn hai con với mấy bát cơm độn. Mình lớn phổng lên. Và đông về .
Chiến tranh trở nên ác liêt, miền quê không còn yên tĩnh, cả ngày nghe máy bay gầm rú, đạn bắn ì đùng, lát lát lại nghe bà con kháo nhau Việt trì trúng bom chết nhiều lắm, bố con ông kia đi mò cua bị rốc két bắn trúng mất xác..mình nghe rất nhiều và rất sợ. Tất cả học trò phải đi học ban đêm, ban ngày nghỉ để tránh bom đạn, thời gian chui xuống hầm nhiều hơn là ở trên mặt đất.
Mùa đông trở gió, lạnh buốt, khi đi học, cầm theo một cái đèn dầu con tí đựng trong ống bơ sữa bò, khoét một lỗ nhỏ xíu xiu đủ để cho một luồng sáng bằng cây đũa chui ra ngoài, hễ nghe tiếng máy bay là thổi tắt phụt để mọi thứ chìm vào bóng tối đen đặc. Mình vượt qua quãng đường vài cây số trong đêm để đến trường, đường đi học phải ngang qua mấy dãy mồ mả, vừa đi vừa run vì rét vừa run vì sợ ma, có những chỗ nghe tre kêu kẽo kẹt như nghiến răng là mình cắm đầu chạy thục mạng, có khi rơi mất cả lọ mực mà không biết, đi đến trường rồi mới tìm không được lọ mực –lại phải dùng bút chì để chép bài và ăn vài cái khẻ tay bằng thước của cô giáo.Hồi ấy trời rất rét nhưng không bao giờ bọn mình được phép đốt lửa để sưởi ấm cho dù môi tím tái, hai tay tê cứng – vì họ bảo đốt lửa là báo hiệu cho máy bay địch bỏ bom. Trong nhà cũng không được có gương soi mặt vì sợ là gián điệp soi gương lên trời báo hiệu chỗ bỏ bom, bởi thế mình chưa hề được thấy cái mặt mình ra sao suốt cái thời đi sơ tán. Chỉ nghe mấy cô bảo mình là búp bê má hồng.
Nhớ một ngày vào khoảng 10 giờ sáng, mình đang bế bé Phương chơi ngay cửa, cô Châu đang đút bột cho bé Thảo, đột ngột tiếng lao như xé của một cái máy bay phản lực sượt qua mái nhà, mình ôm bé Phương, lao ra ôm bé Thảo chui vào gậm phản, tiếng nổ khủng khiếp làm cho căn nhà muốn sập, rung rinh, lắc lư - mấy phút sau mình lóp ngóp ôm hai đứa bé- mặt mày tái nhợt khóc ri rỉ vì hoảng sợ -chui ra khỏi gầm phản. Mình chả nhìn thấy cô Châu đâu cả, mình hét lên sợ hãi gọi cô ấy mãi, lúc lâu sau mới thấy cô ấy lò dò trèo ra khỏi miệng hầm, thì ra lúc máy bay bay sượt qua, cô ấy sợ quá nhảy xuống hầm mà rơi mất bé Thảo. Trưa mẹ về mẹ kể là có chiếc phản lực rơi ở gần chỗ mình. Mẹ sợ quá đạp xe mải miết chạy về xem tụi mình có sao không. Mấy mẹ con ôm nhau khóc ròng- không ai chết cả.
(Còn tiếp mùa đông và đói)

14 nhận xét:

  1. hổng có hình minh wọa hen má?

    Trả lờiXóa
  2. búp bê má hồng giờ còn hồng hông?

    Trả lờiXóa
  3. Má muốn ăn châu chấu nướng lại để ôn kỷ niệm hông? bữa nào con dzìa quê bắt đem qua nướng cho má ăn. :D. Trẻ con hồi đó đúng là mộc mạc dân dã hồn nhiên, hổng giống trẻ con bi giờ :(

    Trả lờiXóa
  4. Hổng có hình con ui, ở đây thì cái ông giàu nhứt có máy chụp hình hổng đi đây.
    Bi giờ có mà đầy tàn nhang chớ hồng nỗi gì chài.
    Con bắt con mối á, vặt cánh đầu đi, rang lên ăn ngon lắm á!

    Trả lờiXóa
  5. sAU KHI RỜI NHÀ BÀ NỘI MÁ , MÁ HUNG DỮ LÊN KINH KHỦNG, QUÁNH NHAU TỐI NGÀY...BỊ BÀ GIÀ QUÁNH MIẾT...

    Trả lờiXóa
  6. Bà này hung dữ thành tính rồi.Còn nướng chuột ăn phải chơi chuột cống mới đã.

    Trả lờiXóa
  7. Chiện hay quá, bọn em hổng có được những kỹ niệm tuổi thơ hay ho của chị, chị chia sẻ nhiều nhé, vì đây là Nhật ký mà :d

    Trả lờiXóa
  8. Bạn bè chị từ hồi bé, HP, Vĩnh Phúc chị có cơ duyên giữ liên lạc được với ai kg? Thấy chị cũng đi nhiều, nhưng chưa thấy entry nào của chị nói về việc chị gặp lại bạn cũ, bà con cũ, nơi cũ mà chị đã có 1 ký ức tuổi thơ giá trị

    Trả lờiXóa
  9. Con thấy má lúc nào cũng hiền :) mấy năm òi.

    Trả lờiXóa
  10. Bùn bùn là bệnh tương lân ... làm mình củng nhớ đến tê lòng !

    Trả lờiXóa
  11. tập hợp lại in hồi kí được đấy chị!

    Trả lờiXóa
  12. Ai thèm hở em? Ngừi nổi tiếng thì còn bán được, chớ chị có là con khĩ khô gì đâu....

    Trả lờiXóa
  13. Ừ héng, quên, cứ nghĩ mình còn che chẻ! Hic!

    Trả lờiXóa