Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Con hồng vệ binh duôm duôm - phần 2

Sau đợt chốt nhà 50 Thủ Khoa Huân, tụi mình được về nhà cộng với cái bắt tay thân mật của ông trưởng phường mặt sùi. Chừng ba hôm, có lệnh tập trung đi chốt bất ngờ lúc 5 giờ chiều. Bữa cơm nấu dở phải viết giấy để lại cho ba mẹ nấu nốt dùm. Họ đưa chúng tôi đến căn nhà số 2xx ( hay 23x) không còn nhớ rõ lắm - ở đường Gia Long- giờ là đường Lý Tử trọng - nằm gần gần tiệm bánh Bảo Hiên Rồng vàng. Lúc ấy chừng gần 6 giờ, hơi tối xuống- khi họ đưa vào chốt nhà ấy thì đồ đạc vẫn còn nguyên- còn ấm hơi người- nhưng nhà vắng lặng không có ai. Căn nhà cao ba tầng rất sâu và rộng. Nhà này khá giàu sang ở cách bài trí nội thất và tủ bàn , giường ghế toàn gỗ nặng chịch khắc chạm.
Mình vào nhà ấy đầu tiên là nhảy bổ vào xem toilet, họ có tới 4 cái toilet riêng biệt có cả bồn tắm tráng men trắng- hơi thơm tho của xà bông vẫn còn phảng phất, mấy cái khăn tắm vẫn còn treo hững hờ trên cây giá treo đồ. Mình kết luận : Nhà này giàu thiệt á nha!.
Lượn hết toilet xong, xuống tầng trệt, chui vào bếp, cái thùng gạo còn ít, nồi cơm nguội cũng còn chưa kịp thiu. Thích nhất là còn nồi cá hú kho xả gần như nguyên nằm trên lò than đã tắt. Mình lục tủ chén lấy cái tô sứ mỏng mảnh đẹp nhất bới tô cơm, lấy hai khứa cá to bỏ vào, bê ra cửa nhà ngồi bệt xuống đất, xúc cơm ăn ngon lành.
Đang ngồi ăn ngon lành, bỗng dưng mình cảm thấy như có ai đang nhìn trộm mình  từ đâu đó, hơi ngượng ngùng, không nhai nữa mà ngẩng lên nhìn quanh quất- mình thấy có một ông lớn tuổi ( nghĩ là già chứ bây giờ chỉ ngang ngang tuổi mình hiện tại đây thôi) ngồi lấp ló sau gốc cây nhìn mình- mái tóc sậm màu hơi xõa ra che nửa mặt- riêng ánh mắt thì sáng trưng như lửa- Mình giật mình bỏ tô cơm ra sau, đứng dậy hỏi :
" Ông bác là ai mà chưa về nhà còn ngồi đây dòm con?"
- Ánh mắt sáng rực lên rồi lại chìm đi- ổng quay người bỏ đi.
Đêm đó, mình, con Dung, con Thúy chui lên cái giường bự chảng tầng một ngủ say sưa trên cái nệm lút hết cả người. Thằng Chánh ngủ ở đi-văng tầng trệt trông nhà bao quát.
 Ngày thứ hai chốt, mình mở cửa nhà ra đầu tiên- ánh sáng ban ngày giúp mình nhìn rõ hơn gương mặt người đàn ông chiều tối trước- ông ấy đã ra ngồi ở ngay gốc cây trước nhà mình chốt tự lúc nào- ngồi chung với ổng có một cô con gái chắc chừng trên 25- hai người học rất giống nhau- người đàn ông có gương mặt đạo mạo kiểu như ông giáo hơi chút lãng tử với mái tóc xoăn lòa xòa , cô gái thì trắng hồng, xinh gái lắm. Mình ngẩn ra ngắm cả hai không chớp mắt. Bất chợt thằng Chánh đi từ trong nhà ra xông vào hai cho con đẩy họ đi, nó bảo ;
- Nhà ông bị nhà nước quản chế rồi, ông đi kinh tế mới mà cải tạo đi...!"
Nó vừa xông xổng mắng, vừa xô đẩy cả hai người đi chỗ khác- xa khỏi cái khu trước nhà mình chốt. Mình đứng tần ngần, chờ thằng Chánh vào mình nói
- " Anh Chánh làm gì mà hùng hổ với người già thế! họ đứng đó, chớ họ có vào nhà đâu? Anh làm kỳ cục quá hà!"
Nó quay qua cao giọng với mình:
" Em còn nhỏ, chưa biết bọn tư sản mại bản ác thế nào đâu! Cứ nhu nhược như em ấy thì vỡ chốt- bị bắt giờ! lo canh nhà cho đàng hoàng, bọn nó vào ăn cắp hết đồ bây giờ!"
Cứ thế bốn ngày trôi qua, mình vẫn canh, ông già ấy vẫn đến ngồi trước gốc cây ngay cửa nhà. Buổi sáng ngày thứ năm, mình mở cửa bước ra, mái tóc bạc trắng đang ngồi ở vị trí ấy- mình lạ quá, ra ngó coi phải ông ấy không thì vẫn là ông ấy- nhưng mái tóc bạc trắng mất rồi. Quay vào nhà không thấy thằng Chánh, hỏi nhỏ Dung, nhỏ bảo thằng Chánh đi ra phường. Thế là mình chạy u ra ổng hỏi thăm. Thì ra ổng chính là chủ căn nhà mình đang đóng chốt- mình nói
-" sao bác không đi kinh tế mới đi? bác ở đây mà trên phường xuống nhớ mặt bác họ giam bác đấy!"
Ổng bảo mình :
_ "Con ơi cả đời nhà bác có căn nhà này- giờ đuổi lên rừng với 10 miệng ăn- bác làm sao đây?"
Mình ú ớ ...rồi hỏi :
-Thế bác cần con giúp gì hả bác?
Chưa kịp nghe ông bác trả lời thì nghe con Dung hú lên "thằng Chánh què về"- mình vội vàng bỏ vào nhà sập cửa lại.
Đêm ấy trời mưa rất to...mưa ào ào như trút, mình không ngủ được, bò dậy gọi con Dung đi thám thính căn nhà. Thằng Chánh què uống rượu say bét nhè ngủ trên đi- văng. Mình với con Dung lục được cái búa với cái đục gỗ. Hai con đi khỏ nền nhà từ buồng thờ trên tầng ba xuống tới bếp- khỏ mỏi tay, chẳng nghe cái gì khác hết...hai con giấu đồ nghề xuống gầm đi ngủ.
Ngày thứ sáu, sáng chợt nghe xôn xao, mở cửa bước ra- giật mình đến cứng họng ú ớ : Ông già ấy nằm còng queo ngay gốc cây, mái tóc đã bạc hết sạch- mình run lẩy bẩy đi ra chỗ ông ấy vỗ vỗ...nhưng im lặng- ông ấy im như tượng đá- mặt không còn sắc sống- chỉ là màu trắng bợt của sự chết. Mình la hoảng lên- thằng Chánh nhảy ra lay, gọi- hóa ra ông bác ấy đã chết- Nước mắt mình chảy như suối- giá như mình biết câu trả lời của ông bác ấy....biết đâu ông bác ấy không chết.....mình ngồi bệt xuống hè- trân trối-
Phường xuống, họ khiêng ông ấy lên xe xích lô- nghe nói chở vào nhà xác bệnh viện Sài gòn.
Thằng Chánh đi lên phường làm báo cáo- ba đứa mình ngồi mở cửa toang ôm nhau sợ chết khiếp.
Cô gái bỗng đến lúc trời sập tối, mình chạy ra kể lại cho cô ấy, cô ấy ngã xoài ra đường - trắng bợt- mình bảo Dung với nhỏ kia coi nhà, mình kêu xích lô xin chở dùm cô ấy đi cấp cứu. Ông xích lô tốt bụng, không lấy đồng nào lại còn đưa lọ dầu gió cho mình thoa cho cô ấy. Vào BV Sài gòn, cô ấy tỉnh lại, khóc lặng đi...cô ấy chỉ bảo " Giúp gia đình chị với, ba chị còn chút ít ở toilet bếp ấy...." Cô ấy nói với tôi với một sự tin tưởng tuyệt vọng...
Tôi về nhà chốt lúc muộn, con Dung bảo thằng Chánh là cái Hương nó chạy về nhà có chuyện gấp lên muộn...thế là êm.
Đêm đó, mình thì thầm với con Dung đi lục toielt trong bếp- thì ra họ cũng khéo, giấu được hai cái hộp bằng cỡ hộp bánh quy nhỏ ở đáy bể nước trong toilet. Mình với Dung nhét vào quần leo tuốt lên lầu hai, chốt cửa, mở ra xem, một hộp miếng miếng bao giấy như giấy dầu xếp lớp, mình thì chả biết vàng nó ra sao- nên nghĩ là cái này chắc họ cần đây vì xếp lớp cẩn thận thế. Mình gói lại bảo với con Dung, giấu xuống gầm tủ thờ, mai cô kia đến đưa cho cố ấy. Còn một hôp mở ra thì hai con mình mắt mở to như đèn pha : dây đeo cổ, bông tai, cà rá hột xanh hột trắng nhóc luôn. Hai con đeo hết cái nọ đến cái kia làm trò, làm công chúa ngắm vuốt, khen nhau, rồi tháo hết ra bỏ hộp lại và bàn nhau sẽ đích thân đem giao nộp cho phường mà không báo thằng Chánh vì sợ thằng này cướp công! ( Híc còn muốn lập công với cách mạng!)
Hôm sau, cũng sẩm tối, mình nhét cái hộp gói miếng miếng vào bụng ra đứng cửa chơi- ý là chờ cô gái ấy- may phước thằng Chánh lại được mấy ông phường kéo đi, con Thúy trên lầu, con Dung ngồi canh gác cho mình. Cô gái ấy xuất hiện, mình như con ăn trộm, mắt trước mắt sau nhìn quanh xem có ai không, thò tay vào trong quần, rút hộp ra, lật lưng quần cô ấy bỏ hộp vào- nhanh như chớp- hệt kẻ cắp lành nghề- và đẩy cô ấy đi cho lẹ...hồi đó bọn thanh niên 30/4 đi rểu phố đầy , nên dù gì cũng sợ bỏ cha.
Sáng hôm sau, hai con xin phép thằng Chánh ra ngoài lên phường xin giấy chứng nhận hoạt động hè- cũng lận lưng cái hộp đựng nữ trang- hai con gò lưng đạp xe ra phường xin gặp trưởng phường để nộp kết quả khi chốt nhà....Tưởng là đơn giản, ai dè chúng nó đè hai đứa tôi ra làm tường trình, may hai đứa khai in nhau, giấu nhẹm chuyện cái hộp kia đã đưa cho người con gái ấy...Bọn phường còn nắn người mình với con Dung xem có giấu gì không...Sau đó chúng đưa bọn mình về chốt miêu tả lại tìm đồ ra sao- thằng Chánh chửi nhặng, bắt hai đứa tui làm kiểm điểm. Ngay hôm đó chúng xuống liền kiểm kê nhà mình chốt và niêm phong mọi thứ.
Mười bốn ngày trôi đi, mình được về nhà...cái chết đêm mưa , đầu đen chuyển sang cước trắng, nỗi thống khổ trên gương mặt của ông già ấy ám ảnh mình mãi không nguôi....Mình cũng tự an ủi, ít nhất mình cũng ăn cắp lại được cái hộp xếp xếp cho gia đình ông ấy.......
Sau đó vài năm, mình thấy vợ thằng trưởng phường đeo sợi dây chuyền hột trắng lấp lánh mà lúc mình chơi với con Dung mình đội lên đầu để làm công chúa.....
Bây giờ thì biết đó là vàng và hột xoàn với cẩm thạch...Kể ra hồng vệ binh nhưng cũng rất sạch đấy chứ???!!!! Mình cũng giúp gia đình ông ấy được một ít.....




Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Ký ức hồng vệ binh nửa mùa...

Năm ấy năm 77, cuộc sống mới bắt đầu ở Sài gòn theo cha mẹ từ Hà nội vào đây được hơn năm. Mình học Marie Curie, khá ở mọi thứ : học khá, quậy khá, đạo đức khá, leo trèo khá, đá banh cũng khá. Ba mẹ mình rất nghiêm, không bao giờ được ra đường một mình sau bảy giờ tối. Ngày nào cũng phải lau nhà, nấu cơm, giặt quần áo, đi chợ. Thời 77 mới bắt đầu hơi khan hiếm thức ăn hàng hóa, nhưng so với những ngày tháng sống ở Hà nội thì vẫn là thiên đường bởi bữa nào cũng có thịt hoặc cá, rau ăn thả dàn.
Hè năm 77 , phường cử người đến gặp ba mẹ yêu cầu đưa mình vào tổ thanh niên xung kích , mục đích gì đó mình không được biết, chỉ ba mẹ biết. Cái mình biết là : con của ông bà được gia nhập thanh niên xung kích bởi vì gia đình ông bà là cán bộ cách mạng- thành phần cốt cán.
Sau hai ba ngày, ủy ban phường Bến Thành gọi mình lên phường họp- đến họp, mình thấy chừng bốn chục đứa từ choai choai như mình đến chừng hơn 20 tí chút. Họ thông báo là chúng mình phải học chính trị một tuần để quán triệt tư tưởng trước khi bắt tay vào giúp chính quyền bắt đầu công cuộc cải tạo và phá bỏ giai cấp. Chúng mình mất hè để lên hội trường ủy ban nghe diễn thuyết từ sáng đến trưa về chủ nghĩa cộng sản và phá bỏ nền tảng phân biệt giai cấp- lũ ranh con chúng mình chẳng có đứa nào để tâm lắm, cứ rúc xuống cuối để lén lút chia cặp đánh cờ ca rô. hai ngày cuối họ dậy chúng mình áp tải người, dọn đồ, chốt nhà, cấm người vào nhà- cũng chỉ dạy bằng lời. Họ chia ra cứ một tổ là bốn người, trong đó có một lão ( bà ) lớn nhất làm tổ trưởng. Lệnh của tổ trưởng là các tổ viên phải chấp hành tuyệt đối như quân đội.
Tổ mình gồm mình, nhỏ Dung , nhỏ Thúy, lão Chánh làm tổ trưởng. Sau khi học xong một tuần, buổi sáng sớm bọn mình bị gọi lên phường tập trung từ 5 giờ sáng đem theo quần áo, mùng mền và ít gạo với một cái xoong nhỏ. Tập trung đông đủ, phường đọc miệng một cái chỉ thị về " cải tạo tư sản, đưa họ đi học tập và làm kinh tế ở những khu đất mới ( hồi đó gọi là đi kinh tế mới) nhằm giáo dục cho họ về lao động là gì. Mọi căn nhà có trong danh sách là những địa chỉ mà các đồng chí phải đóng quân theo tổ, không cho chủ nhà ở lại, tài sản ở đâu để đó. Mọi tài sản chủ đem ra phải có quyết định của phường và các đồng chí phải kiểm tra chính xác!" lệnh được nhận- chúng tôi túa đi như đàn kiến- địa chỉ đầu tiên của tổ chúng tôi phải chốt giữ là nhà số 50 Thủ Khoa Huân - ngay sau lưng nhà tôi lúc ấy. Đến nơi, ông cán bộ mặt đen đọc lệnh chủ nhà dời đi- và tài sản được đem theo là gạo 5ký/ người, quần áo, xoong nồi, mùng mền, chiếu gối- còn tất cả tư trang , trang sức, đồ đạc khác phải để y nguyên để phường kiểm kê niêm phong. Chiếc xe buyt đậu ngay đầu Thủ Khoa Huân, hồi đó xe còn chạy bằng củi kìa. Cái phường tôi lúc ấy có hết thảy 30 địa chỉ phải bị cải tạo.
Lúc ấy ở nhà tổ tôi chốt có hai vợ chồng trẻ với hai đứa con bé xíu, hai ông bà già và hai cô gái chừng 17, 19 tuổi. Họ gào khóc không đi- nhưng chúng tôi phải đếm người, cân gạo, bỏ áo quần theo lệnh vào mấy cái bao và đẩy họ ra khỏi nhà. Tôi đứng như trời trồng khi nhìn họ khóc lăn lộn, thằng Chánh - hồng vệ binh thật sự- xốc nách đẩy hai ông bà già ra trước, mình, Thúy , Dung vừa xách đồ cho họ vừa ủi ủi cái lưng họ đi. Chúng mình không dám nhìn vào mặt họ, nhỏ Dung can đảm nhất là còn nói lớn tiếng bắt họ ra ngoài- sau một tiếng, họ đã ngồi trên chiếc xe chờ sẵn của phường, và chờ bốn nhóm khác cũng gần đó lên xe- cả đám choai choai đứng vòng quanh sợ họ trốn- xe lăn bánh đi đâu, bọn mình không biết.
Lệnh vào niêm phong mọi thứ với mấy cục bún và mấy tờ giấy pơ luya mỏng đóng dấu đỏ bắt đầu được dán vào khắp mọi nơi, mọi xó. Dán xong còn một tệp, thằng Chánh đút túi nó. Ba đứa mình chải chiếu, xếp mùng mền soạn chỗ vì được lệnh đóng chốt ở đấy hai mươi ngày cấm đi về nhà.
Cái cảm giác sờ sợ buổi sáng biến mất còn lại cái cảm giác được sổ cũi tung chuồng ( là nhà ba mẹ) nổi lên. Ba chị em bắt đầu chơi, hò hét, chạy nhảy, lục lọi khắp căn nhà đó- rúc hết phòng này đến phòng kia chơi trốn tìm. Căn nhà ba tầng nhưng cũ, chỉ có mỗi cái toilet ở tầng trệt và cái bể bự chứa nước rêu xanh rì. Giường tủ , bàn ghế cũng chả phải là tốt đẹp gì, chúng nó cũng cũ kỹ, kẽo kẹt mỗi khi chúng tôi nhảy lên chồm chồm trên đó để đùa giỡn.
Hai ngày sau,một tốp cán bộ phường xuống kêu là tịch thu hết tài sản của tư sản bỏ đi. Họ kiểm tra niêm phong còn không rồi xé bỏ niêm phong, họ mở hết những gì có thể đóng mở , họ vớ hết mọi thứ ở trong tủ, bàn, hộc kệ bỏ vào bao, chất lên cái xe xích lô chở về phường. Bốn đứa tụi tôi chỉ được phép bê những bao đồ mà ban cải tạo bảo bê ra xe. Dọn hết ngày thì nôi nhà trống hoác, chỉ còn mấy cái chiếu của tụi tôi và cái bếp dầu hỏa nhỏ. Họ dặn chúng tôi là cấm cửa những người từng ở ngôi nhà này đặt chân vào nhà, nếu ai cố tình xâm nhập thì báo cho phường biết.
Tôi và con Dung không sợ ma, lại tò mò, chui rúc gõ tường, gõ sàn khắp nơi với ý nghĩ "có khi tìm ra hộp châu báu chôn đâu đó" Con Thúy thì ngồi khóc ỉ ôi vì nhớ mẹ- nhà nó ngay trường Văn Hiến đầu Nguyễn du mà không được về nhà. Còn tôi thì đỡ hơn nhiều, leo lên sân thượng chồm đầu xuống là gọi được ba mẹ với em í ới. Thằng Chánh thì đi về phường như con thoi để báo cáo-
Chúng tôi chả tìm được cái gì chôn dấu ở căn nhà này cả.
Hết hạn, phường xuống cho bọn tôi về nhà- khóa cửa, niêm phong cái cửa gỗ cũ của căn nhà này từ trên xuống dưới ba con niêm!
( Hôm nay viết thế này thôi- nhớ lại mà thấy tim như ai đánh thùm thụp- tự dưng mệt quá) Vài bữa nữa sẽ viết tiếp.

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Chỉ là nhìn nhau- tạp nham bút

Nhìn anh đắm đuối, đôi mắt anh vẫn nồng nhiệt như thủa nào mới yêu- trái tim chợt rung lên tiếng gọi yêu thương và vòng tay đã ôm nhau nghẹt thở. Được mấy ngày nữa sẽ cãi nhau chí chóe đây?
Với anh - người đàn bà thích hợp phải có trái tim người mẹ mới giữ được chân anh. Buồn cười thật, tình già chỉ là thế cũng đã đủ đầy cung bậc xúc cảm.
Mấy ngày nay rất hỗn loạn tư tưởng bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Cứ coi như bỏ đi những gì không phải của mình, AQ đi một cái đỡ tiếc. Cứ lao động miệt mài đi, sẽ lấy lại những gì đã mất- không cần phải suy tư, tính toán làm gì...Hôm nay chỉ là một kết quả nhỏ nhoi thôi cũng đủ làm mình phấn chấn thêm sức lực cày cuốc.
Mình thật sự rất chán cái xã hội ảo tưởng và tự sướng này- nhưng mình vẫn có một niềm tin sắt đá rằng người tốt vẫn còn nhiều, những kẻ ba hoa chích chòe làm nổi hay màu mè hay lừa dối chỉ là do số phận mình định rằng mình phải gặp những loại ấy trong căn nghiệp hiện tại. Bởi những người tử tế họ ít lu loa nên ta mới tìm được ít thôi. Tự nghĩ thế để tâm an mà an nhiên sống- và chắc chắn là thế-
Lâu lắm mới gõ phím vài dòng....
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Gà xỉn - hay còn gọi là gà hấp rượu .

Chọn con gà mái tơ chừng 1.3 ký ( đã làm sạch bỏ lòng ra)- rửa sạch, trộn 1/2 muỗng vừa muối tinh , một muỗng trà nhỏ bột ngọt. sau đó chà xát lên con gà trong và ngoài- để chừng 20 phút.
Cải xanh đắng loại cây non (ít đắng) chừng hai bó kha khá, cắt rễ, rửa sạch để ráo.
Gừng mua chừng 3000 đồng , thái lát to, mỏng xếp xuống đáy nồi bằng đất hoặc gốm.
Cho vào nồi chừng 1/2 chén rượu gạo ( ngon nhất) nếu không có thì Nàng Hương hay Soju cũng chơi tuốt.
Đặt Úp con gà vào nồi cho thật gọn, đậy vung lại. Nấu lửa lớn trong 5 phút- sau đó giảm lửa riu riu chừng 1 cm cao của ngọn lửa nấu tiếp trong 25 phút. Sau đó xếp chèn rau cải vào nồi bên hông gà và lưng gà, đậy nắp, bật lửa lớn trong 5 phút.
Bưng ra và xực thôi, ăn không cũng ngon mà ăn với cơm cũng ngon. gà vừa chín mềm, đậm đà, thơm mùi cải, hơi nóng của rượu làm cho nó chín vào tới trong của xương. Nhớ đừng dùng dao chặt gì hết, hoặc xé tay , hoạc lịch sự chút thì lấy kéo cắt miếng bự bự, ăn nó là cắn ngập răng. Một con gà hấp vậy là ăn đủ chỉ ba người thôi, ăn khỏe thì chỉ hai.
Các bạn làm thử đi nhé, ngon vãi !
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Dân Việt nam xấu xí.

Ngày hôm qua mình ra đường vì công việc đúng ngay giờ cao điểm lại mưa rất to nữa. Đường Cộng Hòa đông như nêm cối. Đương nhiên, ra đường thì phải theo đúng luật giao thông, mình đi theo dòng xe hơi - đúng một làn đường bên sát con lươn- hai làn còn lại là xe gắn máy, xe này nhích lên năm centimet- xe sau lập bập chèn lên 10 cm và móc càng vào nhau- cãi vã, lườm nguýt. Bỗng nhiên mình nghe đánh roạt một cái, cái kính xe bên trái của mình nó vênh lên giời vì một ông cũng đứng đứng tuổi lách xe gắn máy chạy vào mà không đủ chỗ vượt nên ông quạc vào xe mình, trầy một đường khá dài. Thôi thì đông quá, bỏ qua đi cho đỡ mệt.
Xe hơi vẫn nhẫn nại xếp hàng trên đường dù nó dài dằng dặc, nhưng trái lại, xe máy thì cứ có khe là nhủi vào vào lên, mặc xác tất cả. Mình đếm sơ sơ chỗ có thể đếm được ngay xe mình là 150 cái xe đang nêm vào nhau. Tính cách cào bằng và bầy đàn của những loại cấp thấp được thể hiện rất rõ trong cái văn hóa đi đường. Ông chịu kẹt, tui cũng kẹt, ông hít khói tui cũng hít. Và cuối cùng tất cả kết thành một khói bùi nhùi dày đặc - quánh lại ngay ngã tư. Công an chạy tới hụ còi và lấy xe ủi lấy lằn đường cho bớt thông tắc bởi những kẻ chui chạy ngược chiều. Nhìn thấy cũng bất nhẫn - nhưng không làm gì khác được, giống như muốn gọt sạch mớ tóc rối thì người ta hay ủi một đường lấy nền mà ủi tiếp. Đoàn người dãn bớt ra, bắt đầu đi được, công an vẫn phải quay cuồng để dắt lái...Chứng tỏ người Việt đáng bị khinh dẻ khi không hề có lòng tự giác và tự nguyện- lúc nào cũng phải muốn bị dắt đi theo định hướng cả, một đám đông với phương châm "tao không thoát thì mày đừng hòng thoát!" Thế đấy. Mới chỉ là một ngã tư đường thôi đã nhìn ra sự xấu xí đang phơi bày đầy dẫy.
Hôm nay đọc đến bài báo về người giúp việc nhà lại càng ngao ngán hơn. Cho dù thế giới tư bản có xấu xa đến mấy, con người vẫn tự biết mình ở vị trí nào mà cư xử có nhân văn, tự trọng. Ngay người giúp việc nhà mình, rất sợ họ tủi thân vì cái nghề không được coi trọng, mình cố đối xử tử tế, công bằng thì họ dối trá, cãi leo lẻo, ăn cắp và tinh tướng bởi họ cho rằng kẻ như mình không chịu nổi những công việc cực khổ mà phải dựa vào họ để nhàn thân - bởi thế, osin Việt nam hay làm giá, làm mình làm mẩy để đi đến mục đích cuối cùng là kiếm thêm ít tiền mà không phải mất công sức nhiều- đây là cái bản tính tham lam nhưng lười lao động vốn có sẵn.
Những người bạn mình sang Hàn về cũng nói về các cô dâu Việt, những người chăm chỉ, chân thành và trung thực thì hạnh phúc và kiếm khối tiền gửi về nhà- còn lại khỏang 10% thì hư hỏng, lười nhác và dối trá thì bất hạnh.
Những người Việt đi nước ngoài từ nhỏ biết bao người thành đạt- đi lên từ hai bàn tay trắng- bởi thật sự ra các thói xấu của người Việt trong con người họ đã bị gột rửa.
Còn người giàu ở VN thì mình không đụng đến- cái loại tư bản đỏ - chúng nó ăn cắp, tham nhũng, lừa đảo, lợi dụng quyền lực thì cái loại ấy là loại cặn bã rồi. Không tính.
Đêm qua mình thức tới ba giờ để coi cái bộ phim nói về người cha bị thiểu năng trí tuệ nhưng vì tình yêu với đứa con mà đã cố hết sức trong giới hạn hiểu của họ để làm rung động cả chánh án lẫn bồi thẩm đoàn mà giành lại được đứa con. Tư bản- nhồi nhét xấu xa- thế sao nó đầy nhân bản- nhân văn trong từng con người như thế?
Vì nó mà mình phải viết những dòng suy tư này- ngẫm ra đắng chát-!
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Củ sâm yêu!!!!!!!!!!

Hai mươi năm đủ minh chứng cho tình yêu của em và anh bền chặt- cho dù có bão tố, khó khăn chất chồng nhưng bàn tay em và anh luôn nắm chặt lấy nhau đạp lên chông gai để sống còn! Cho dù em và anh không có đứa con nối kết - nhưng tình vẫn nồng nàn như lúc mới yêu nhau.
 Anh nói với em " em ơi bên Hàn này không có em, nó không phải nhà của anh, anh buồn quá, nhớ em quá..." Em hạnh phúc vì anh cần có em- em cũng thế, ở bên này em thấy mình bơ vơ chi lạ, em nhớ anh đến phát điên khùng, cứ ôm cái áo ba lỗ của anh mỗi đêm mà hít hà hơi quen thuộc.
Những đứa con của riêng anh và riêng em chúng ta đã chung vai lo tròn cho bọn nó , chúng đã trưởng thành và tự lập- chúng mình đã già rồi. Còn hai đứa mình chăm lẫn nhau. Anh cứ than thở "Thương em , tội nghiệp em một mình"..cái tiếng Việt ngọng nghịu của anh tiếp cho em sức mạnh để đi tiếp con đường đầy khó khăn trước mắt, anh đừng lo, Trời không đẩy chúng mình vào đường cùng đâu, có khó khăn mấy chúng mình cũng vẫn sẽ nắm tay nhau vượt qua để sống. Anh đừng nản chí, đừng thất vọng, quãng đời đã qua của chúng ta đã có những lúc khó khăn hơn thế này nhiều mà mình còn vượt qu
a được cơ mà...anh nghe em đi, anh đừng thất vọng, đừng trầm cảm...Có tình yêu, chúng ta sẽ vượt được dốc anh ạ!
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

PHÓNG SỰ NẰM VIỆN CỦA BỐ TÔI- CỤ LINH GIA

Trốn chui trốn nhủi gần hết đời người, tới năm 80 tuổi thì bị tóm đầu vào viện. Nói như thế có nghĩa là cả đời tôi, bây giờ tôi mới biết mùi bệnh viện (Không kể cái lần mẹ tôi sinh tôi),
Cái bệnh viện đã tóm được tôi là bệnh viện Hữu Nghị, bệnh viện dành cho nam giới có mức lương chuyên viên 2 trở lên và nữ giới là chuyên viên 1 trở lên. Ngày trước bệnh viện này có cái tên dài hơn là bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Nó nguyên là bệnh xá 303 thành lập năm 1950 ở Việt Bắc để chăm lo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên cơ quan Đảng và Chính phủ trong thời gian kháng chiến. Hòa bình lập lại
Bệnh xá 303 được chuyển về bệnh viện 108 (Đồn Thủy) (Bệnh viện này được Pháp thành lập năm 1891, dành cho các bệnh nhân là hạ sĩ quan và binh sĩ quân đội Pháp (Pavillons des Sous-Officiers et Soldats), bệnh viện mang tên người ký quyết định thành lập là Toàn quyền Jean Marie de Lanessan (Hôpital de Lanessan}.
Bệnh xá 303 năm 1955 được mở rộng thành bệnh viện. Năm 1958 bệnh viện 303 hợp nhất với bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô và lấy tên là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, tọa lạc trên phần đất của bệnh viện 108 cắt ra, nhiệm vụ nó vẫn như cũ, nhưng đối tượng của nó là những "hạt giống đỏ" thì đã dần xa lánh nó vì nó không được tín nhiệm bằng người anh em của nó là Bệnh viện Quân Dội 108.

Cách đây 86 năm, vào năm 1925, bố tôi bị sốt rét nặng đã phải đưa từ Hà Giang về nhà thương Đồn Thủy điều trị, vào năm nay 2011 con của cụ đã theo gót cụ vào đây (Bệnh viện Hữu Nghị thực ra đã ra đời trên mảnh đất "nhượng địa" của  bệnh viện 108 tức Nhà thương Đồn Thủy xưa kia).

Cảm nhận ban đầu
Tôi vốn có thiên kiến xấu với bệnh viện và đã từng nói với mọi người: "Ở trên đời có hai nơi không nên bén mảng tới, dù có được mời chào nhiệt tình đến mấy, đó là trại giam và bệnh viện", vì đến những nơi đó thường phải giao tiếp với một thứ ngôn ngữ khó chấp nhận, hai ông Công An và Bác Sĩ thường có lối nói trống không, xách mé và chỏng lỏn "hạ mục vô nhân". Công An chắc được học thư ngôn ngữ mang tính trấn áp, còn bác sĩ thì không biết vì sao cũng áp dụng lối giao tiếp "hỏi cung" thiếu lịch sư, thậm chí thiếu lễ phép với những người già cả như vậy?
Lần này vào viện tôi đã thấy một thứ ngôn ngữ mang tình người ở các bác sĩ, duy Y tá thì còn có vẻ "hách" hơn bác sĩ (một số thôi). Thôi thế cũng được, không đến nỗi nào.
Nhận bộ đồng phục bệnh nhân, tôi gọi điện báo với người thân : "Đã vào "Trại" Thần Kinh, Nhà số 6, "Xà Lim" só 211!". Tuy cùng chung một phòng, nhưng tôi coi 2 ông bạn như hai ông hàng xóm, vì không họ hàng, không quan hệ thì đích thị là hàng xóm láng giềng chứ còn gì nữa?
3 người thì mỗi người một bệnh, cách điều trị cũng khác nhau, người uống thuốc, người tiêm, tôi thì truyền dịch tĩnh mạch. Mỗi lần truyền cũng phải bất động từ 4 tiếng đến 6 tiếng đồng hồ, nằm thẳng cẳng trên giường, mặc cho khách quan diễn biến. Rủi cho tôi gặp phải hai ông láng giềng "xấu bụng", các ông xả chất thải nhoe nhoét ra giường, người không có trách nhiệm đều lánh hết ra ngoài, vì không muốn bị nhốt chung trong hố xí, riêng tôi vẫn phải bất động chịu trận với bầu không khí nồng nặc. Thứ hương đó có ám vào tôi cũng không sao, chỉ lo cho gói bánh mì đang để trên mặt tủ chịu tai nạn không khác gì bị "ỉa" thẳng vào chạn. Nằm đó mà đầu óc liên tưởng đến khẩu hiệu  "…láng giềng tốt…" Ôi!
Phòng tôi nằm ở cuối dẫy, sát với "Nhà lạnh" của Nhà tang lễ Trung ương Quân đội. Người trong phòng đều kêu nóng, tôi giải thích, các vị thử quan sát cái tủ lạnh, muốn làm lạnh bên trong nó thường thải cái nóng ra ngoài. Cái "hãng kem" 5 Trần Thánh Tôn cũng thế! Không biết lời nói đùa đó có làm các vong bên đó phật ý hay không mà tôi đã bị quật ngã, một cái ngã như trời giáng, đổ xập xuống mà hai tay không đỡ được, đầu và mặt đập thẳng xuống sàn, vang lên một tiếng bốp giữa đêm khuya, như ai đó ném một cái mõ to xuống đất.

Lan man suy nghĩ
Trong thời gian điều trị, tôi được truyền 12 bịch muối đẳng trương, mỗi bịch nửa lít, vị chi 6 lít nước theo đường tĩnh mạch hòa vào máu của tôi, không biết phủ tạng điều hòa ra sao, nhưng tôi cứ cho rằng nó đã làm loãng các thư trong người tôi từ thể xác đến tư duy, nên nhiều ý nghĩ lạ lùng bỗng nẩy nòi trong tôi không hạn chế.

Ý nghĩ thứ nhất là việc tổ chức tang lễ. Tôi phản đối việc có người đọc điếu văn cho mình, vì thế mình phải thay thế vào thứ nghi thức đó bằng một cái gì đấy? Đêm nằm tôi chế ra một thứ "Lời gửi lại", đại loại như dưới đây:
"Các bạn thân mến! Lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng các bạn cho phép tôi phá cách một thứ lệ quen, đó là đọc điếu văn, vì các bạn đọc thì các bạn nghe, chứ cái xác tôi còn cảm nghĩ gì nữa? Cũng đừng bắt tôi phải nghe "Đêm khuya âm u ai khóc than trên mái nhà (trong gió đàn)…" hoặc "Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng…" mà hãy cho tôi nghe lại hai bài hát của Đặng Thế Phong là Con Thuyền Không Bến và Vạn Cổ Sầu (Giọt Mưa Thu) Hai bài đã theo những bước đường "kháng chiến" của tôi.
Năm 1946 trong bộ đại y nhuộm nâu, chiếc mũ phớt xanh ve chai (vert bouteille) trên đầu và đôi dầy bát két dưới chân, trong túi là bao thuốc lá Phi Líp Mo Rít, tôi đã làm cuộc đổi đời. Nếu cuộc đời như một dãy núi thì tôi đã đi gần hết dãy, nhưng toàn đi ở lưng chừng núi, chưa lên được bất kỳ một đỉnh cao nào, nhưng với những đỉnh cao mà tôi đã lập ra được thì nói một cách khiêm tốn: không ít đỉnh mà người khác có theo cũng khó. Nhưng tựu trung đó cũng chỉ là những điều nhạt nhẽo, hết sức vô vị..
Giờ đây tôi cảm thấy mình như một anh "kép già" hết vai diễn đã đến lúc phải rời xa sân khấu. Ao ước cuối cùng là trên tấm bia mộ ghi cho tôi dòng chữ: "Một diễn viên đã hết vai diễn…" là đủ ý nghĩa, không mong muốn gì hơn,
Tôi ra đi là được về với cõi thần tiên, nơi trước đó tất cả chúng ta đều sống chung vui vẻ, do phạm tội mà phải đầy xuống trần ai. Những kẻ chết non là vì tội nó nhẹ nó được thoát xác sớm, còn những đứa già là đứa tội nặng, phải đầy ải nhiều hơn. Chúc các bạn ở lại với những tội đồ mà mình chưa trả hết sớm được như tôi." Dù đa quậy phá thế nào thì tôi cũng nguyện với các bạn sẽ là một "con ma ngoan", hãy tin như thế."
 Tôi lấy bài cụ post lên đây đọc cho đỡ buồn- cụ Linh Gia là bố nuôi của tôi- cụ làm ngạch quay phim quân đội.
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Khoe phát chơi!


Khoe tí chơi nhaaaaa- mình cặm cụi và kiếm được chuỗi ngọc " Ngọc dưới mồ" tên nó thế, coi đẹp hông? Xâu dây cước- chốt inox- chắc phải đem đi nhờ người ta xâu lại và thay chốt bạc- cái tật mê đá không bỏ nổi, cứ phải cắc ca cắc củm để dành từng đồng mà sưu tầm- chỗ thằng nhỏ quen, nó đi Myanmar mua về đấy...nó cũng mở tiệm bán đồ ngọc Myanmar ở Nguyễn đình Chiểu- nó cũng cắc củm giúng tui ...nhưng nó giàu nên mở tiệm...híc híc....
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Yêu là chi?

Đôi dép anh bơ vơ nơi ngưỡng cửa
Lòng em chùng xuống nỗi cô đơn chơi vơi
Nhìn mưa sàn ướt, em đi dò dẫm
Thiếu cánh tay anh dắt em  kẻo trơn...
Yêu là chi thế chồng ơi, anh yêu quý...
Bữa cơm dọn ra chỉ một chén một thìa..
Và nghèn nghẹn miếng cơm không muốn nuốt
Em nhớ anh, em nhớ quá anh ơi....
Mau về đi anh, áo anh đã bạc mùi
Từng đêm ngủ em gối đầu hít lấy
Mùi thân thương đã hai chục thu qua...
Em nhớ quá, tiếng tivi ồn ã
Để đêm nào em hết hét lại la
"Ôi ông điếc, cái đồ tai đặc...!"
Và tiếng làu nhàu " bà khó quá chài ui!"
Em nhớ anh- ngồi nhìn tường vô định
Nghe Tũn con híc híc tìm anh....
Mau về đi anh ơi
Em hứa
Không bắt nạt anh, không bắt quét nhà...
Chỉ một chút giúp em sấy cún....
Nhé anh!
Em nhớ anh.....


Đọc tiếp ...