Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Tuổi thơ tui (1)



Năm 1972
Máy bay Mỹ bỏ bom Hải phòng , Hà nội, tiếng súng tiếng bom vang rền , còi báo động hú lên từng chặp. Mỗi lần còi hú là lũ nhỏ tụi mình chui xuống cái gầm cầu thang, hay gầm phản, cứ cho thế là an toàn.
Mẹ đưa hai chị em mình lên Hà tây, Vĩnh phú để sơ tán, một lô xích xông trẻ nhỏ và phụ nữ được chở trên cái xe cam nhông không mui , không ghế. Quần áo chỉ được phép mặc màu tối sầm. Đi lúc 4 giờ sáng, tờ mờ chưa tỏ mặt người. Xe phải lao nhanh trên đường kệ mẹ ổ gà ổ chó, phải chạy cho nhanh để tránh giờ có còi báo động, xe xóc tới lòi cơm lòi rau nhưng người lớn ai cũng im lặng, chỉ có trẻ con là líu ríu nói và khóc ri rỉ, chiến tranh mà.
Đến vùng đầu tiên lúc sơ tán là Hà tây, cách Hà nội vài chục cây số, nhưng trong ký ức mình lúc ấy đường như xa lắm vậy.
Xe đậu ở đầu làng, nơi có cái cổng làng cũ cũ rêu xanh và bụi tre kẽo kẹt. Mẹ con mình ôm lếch thếch đồ đạc nồi niêu xoong chảo đi theo con đường làng vào nhà dân để ở nhờ. Cái nhà mà cơ quan mẹ mình liên lạc cho tụi mình ở nhờ có bà chủ chồng đi bộ đội, tên bà ấy là Gần. Tới nơi, bà ấy chỉ cho mẹ con mình ở cái chái nhà nhỏ xíu xiu, có một cái phản gỗ chằng chịt sẹo, cứ như là cục xương bị chó gặm nham nhở, nó còn cập kênh nữa chứ, hai mẹ con mình hì hụi mãi mới kê lại cho nó khỏi đổ chổng kềnh khi nằm lên. Con em mình còn bé tí, mới ba tuổi thì ngồi ngoài hiên bốc kiến chờ mẹ và chị sắp xếp đồ đạc. Xếp xong chỗ ở thì cũng đã trưa, bà Gần chỉ chỗ cho mẹ và mình nơi rửa- một cái góc khuất sau bể nước bên hông nhà- không nhà tắm, nhà xí và dặn rằng “phải tiết kiệm nước, không được đổ nước ra sàn rửa trực tiếp mà phải đổ vào thau, rồi rửa xong dùng nước ấy cho việc khác nữa.” Bà ấy còn chỉ cho mình chỗ tắm hàng ngày ở “Vực đàn bà” và nếu đàn ông thì phải sang xóm bên, tắm ở “vực đàn ông”, mỗi chỗ ấy cách nhà mình ở khoảng gần cây số, mình còn nhớ là đi cả 15 hay 20 phút mới ra tới vực đàn bà. Ngay lúc ấy mình lót tót đi theo bà Gần ra vực Đàn bà - một cái ao to lắm ( Hay là tại mình bé quá)- bà ấy kể trận lụt năm ấy lâu lắm rồi vỡ đê, nước xoáy vào trôi cả cái đình làng to nhất làm thành cái vực này, sâu mấy cây sào tre ấy, dân còn bắt được con cá chép nặng cả tạ, vây vảy xanh đen, dân không biết xẻ thịt ăn thế là bị thần hoàng phạt vạ cho ốm đau cả làng, làng phải cúng bao nhiêu trâu tạ lỗi mới hết bệnh dịch. Mình thích chí lắm, mặc cả quần áo nhảy ùm xuống tắm với bà Gần, nước trong vắt, mát lạnh. tắm xong cứ thế mặc quần áo ướt như vậy về nhà mới thay đồ khác được. Ai cũng vậy. Mà ở đó một thời gian, mình mới nhận ra chỉ có đàn bà mới tắm ở đấy, không bao giờ thấy đàn ông tắm ở đấy. Chắc vì thế mới có tên “Vực đàn bà”.
Nhà bà Gần có một cái chuồng heo ngay gần lối ra vào nhà nép sau cái bờ dậu cây dâm bụt( Bông bụp) , nơi ấy chính là nơi để ỉa của mấy đứa trẻ trong nhà nếu như không muốn đi ỉa ở tuốt phía sau vườn chổ gọi là hố xí thối phát sợ , dòi bò lúc nhúc, ruồi bay vè vè bu kín cả mặt. Đi ỉa lúc bấy giờ với mình là cái thú, leo lên cái bờ tường chuồng lợn, tay bám vào cái song gỗ, tụt quần, chổng mông là phọt. Mấy con lợn ở dưới há mõm đớp bẹp bẹp, mà lúc ấy làm quái gì có giấy mà chùi, hôm nào sang thì kiếm được tờ báo vò nhàu nhĩ, còn không thì lấy xé lá chuối khô ra chùi , ném xuống cái gì lợn ăn cái ấy. Còn con em mình được mẹ mang bô cho ngồi ỉa, mỗi lần nó ỉa là lũ trẻ con hàng xóm bu xung quanh hàng rào xem trộm, chúng xì xầm bảo nhau “ Ơ hay! Nó ia vao cài nôi!” ( Ơ hay! Nó ỉa vào cái nồi) dân vùng ấy nói cái giọng giống như mất dấu vậy.
Dân vùng ấy có một đặc điểm là ai cũng bị đau mắt hột và ỉa chảy. Ăn cũng gánh nước ở cái vực ấy, tắm giặt cũng ở cái vực ấy, có lẽ vì thế mà họ bệnh chăng ?
Mẹ mình cải thiện bữa ăn cho chúng mình bằng cách đi về Hà nội, lấy cái tem mua đậu phụ rồi đem đậu phụ về đó đổi lấy gà cho bọn mình ăn, nghĩ cũng lạ, cứ một cân đậu phụ mẹ mình đổi được hai con gà to đùng, mẹ mình kho mặn hoặc làm ruốc cho bọn mình ăn dè cả tháng. Mà nông dân ở đấy họ coi đậu phụ như một món cao lương mĩ vị ấy nhớ. Mình còn nhớ mẹ mình biếu cô Gần 2 vắt mì sợi (của Trung quốc viện trợ hôi rình) , cô ấy đi hái một rổ rau to đùng , nấu mì sợi chung với rau một nồi to đùng vật vã rồi mời cả mấy người hàng xóm sang cùng thưởng thức, mình đứng ở đầu hè nhìn vào thấy mọi người chan húp roạt roạt gật gù thưởng thức. Chỉ thích nhất lúc ấy là mẹ mình hay lấy khoai lang khô độn gạo nấu cho tụi mình ăn. Mình đâu có biết là khổ quá nên không đủ gạo phải độn khoai lang vào. Mỗi lần đến kỳ mua nhu yếu phẩm là mẹ tớ lại đạp cái xe đạp con tí cũ kỹ về đến Hà nội để mua bằng mấy caí tem con con, rồi chở lủ khủ cũng bằng cái xe ấy lên nơi sơ tán. Bây giờ nghĩ vẫn còn thương mẹ, mỗi lần về mẹ lại giao tớ cuốn sổ tem phiếu, hộ khẩu, bảo tớ rằng “ mẹ có làm sao thì con nhớ dắt em về nhà ông ngoại, đừng làm mất mấy cái sổ này nhé, mất là chết đói con ạ” Còn bé -mới mười tuổi đầu- tớ đã biết dắt mấy cuốn sổ vào cái ruột tượng mẹ làm cho đeo quanh người kể cả lúc ngủ. Chiến tranh mà!
Đến ngày bom bỏ ở chợ Truông ( hay Chuông) chết bao nhiêu người, thì cơ quan mẹ mình lại kéo hết mọi người đi sơ tán chỗ khác, ngay hôm ấy con em tớ bị ỉa chảy suýt chết, mẹ tớ phải đem nó cấp cứu ở bệnh viện gì ấy, bác sĩ cũng sơ tán gần hết, bệnh viện chỉ còn một mình em tớ là bệnh nhân với một bác sĩ hay y sĩ ( tớ đã quên mât). Đêm , cô Gần lấy cái xe đạp của mẹ tớ đem cháo vào cho mẹ và em, cô ấy không biết đi xe đạp rành thế mà tớ cũng dám theo cô ấy chở đi thăm mẹ. Đi trên đường đê, cô Gần loạng choạng xuýt té bao nhiêu lần ( Cả 10 cây số chứ ít gì) khi đến gần bệnh viện, cô ấy đâm ngay vào đít một bác đi bộ trên đê, và cô ấy cố phân trần với bác kia “Trong cái tràng hợp này thì em phải đâm vào đít bác thôi ạ!” Bác kia cũng buồn cười không kém “ Cái tràng hợp này đê rộng thế sao cô không đâm xuống đê mà đâm tôi?” Hóa ra là cô Gần không biết tránh chỉ biết chạy thẳng! Mà cô ấy cũng chẳng biết dùng phanh (Thắng)
Còn em tớ ngày hôm sau thì nó khỏi, mẹ con tớ dắt díu nhau lên Lập thạch –Vĩnh phú . Sau này tớ hay gọi con em tớ là Buratinô Ỉa chảy cũng vì cái bụng yếu của nó thế đấy.
(Còn tiếp Vĩnh phú ….)

34 nhận xét:

  1. Bài này đọc bên Y 360 rồi thì phải.

    Trả lờiXóa
  2. Ở Hải Phòng có những khu tập thể sáng sớm người ta xếp hàng đi ỉa tập thể zui không chịu nổi.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng rồi mấy cái bài này nè, má post lại cho vào 1 category riêng đi!

    Trả lờiXóa
  4. Hương dân HPhòng á? hèn chi... chửi khỏe ghê =))

    Trả lờiXóa
  5. Thì bên yahoo tìm lại, cái còn cái mất, mấy đứa nhỏ nó đòi đọc lại đó mà.

    Trả lờiXóa
  6. Móa ui, Tố nỳ hum nay dám gọi tui là Hương mà không gọi là má! chài chài......

    Trả lờiXóa
  7. Hà nội cũng có, nên ở Bắc cái bô bán chạy lắm! hà hà!

    Trả lờiXóa
  8. Bà này bả có cái thú là cho lợn ăn kít,
    mình phải si nghĩ lại ngày mơi
    haizz...

    Trả lờiXóa
  9. Đó là hùi nhỏ, cái thèng con gể nè nhạy củm quá hà!

    Trả lờiXóa
  10. gọi cho trẻ ^^

    P.S.: Ở miền Tây thì có thú cho cá tra ăn, còn ở Hà Tây có cái thú cho lợn ăn kít hén =)) =))

    Trả lờiXóa
  11. Ở HN tui thấy dân xếp hàng đi chung cái cầu tiêu độ 5 -7 người nhưng đã thấy tại nhà máy xi-măng HP người ta đứng chờ mười mấy hàng,mỗi hàng cả mấy chục người.Phía sau dãy cầu tiêu thì trồng rau tại chỗ.hehe!

    Trả lờiXóa
  12. Hồi đó mùa đông còn đi tắm xếp hàng ( tại vì có nước nóng) mà phải có tem, một nhà mấy khẩu thì cứ nhân 1 khẩu 2 tem là hai lần tắm một tháng...tếu hết hỉu nổi.

    Trả lờiXóa
  13. Chài ai, cái này má tự làm chớ, con chỉ bày thôi nhe hem.

    Má dzô Customize my site, kéo lên trên đầu thấy Site Customization hem, rồi clik ADD TAGGED CONTENT BOX, đặt tên cho cái ô đó chẳng hạn ABC gì đó, rồi clik vào cái phần TAG bên dưới. [Khi post mấy bài này má nhớ đặt cho tụi nó cùng 1 cái TAG]. Sau khi má clik cái TAG đó thì nó hiện ra ngoài homepage 1 cái ô chỉ chứa toàn những bài này thôi đó. Hiểu hem má cưng? hem hiểu kiu thèng Cường mần choa ha má!

    Trả lờiXóa
  14. Hình như ở trong nam không có mấy vụ này, chẳng bao giờ con nghe mẹ, dì kể lại là phải đi ỉa kiểu đó.

    Trả lờiXóa
  15. Ừ, chỉ có miền bắc XHCN tươi đẹp mới có con à!

    Trả lờiXóa
  16. trước 75 cả 2 miền nam bắc đều có tuối trẻ như chị Hương ,ngoài Bc chịu bom mỹ,trong Nm tụi này chịu đạn pháo của VC made in Niên Xô và CHINA.giờ con đĩa CS và china chưa chịu buông tha tụi minh khổ á

    Trả lờiXóa
  17. Má làm xong, hổng thấy nó đâu! Tịt!

    Trả lờiXóa
  18. Chài ai, cái QÚA KHỨ TUỔI THƠ nằm chình ình ra kà, kiu ko thấy! hix
    mấy cái nào má muốn cho tụi nó ra ngoài đó thì gắn cho tụi nó 1 cái tag giong nhau la xong.

    Trả lờiXóa
  19. tức quá. chắc chụp cái hình cho bả coi quá, huhu

    Trả lờiXóa
  20. Ủa dzị sao bên má nó hem lên ta!

    Trả lờiXóa
  21. má rì phờ rét nó lại coai!

    Trả lờiXóa
  22. “Trong cái tràng hợp này thì em phải đâm vào đít bác thôi ạ!” he he...

    Mẹ chị ( và chị) đảm đang ghê

    Trả lờiXóa
  23. Loạt bài này tui đọc lúc bà đăng bên Da hu, mà tui cũng "khoái" bà từ lúc đọc mấy cái chuyện hồi xửa hồi xưa này đó!
    Có rảnh đem dìa hết đi, để hồi nào tui vô coi lại lần nữa. Loạt bài này hay quá xá hay mà...!

    Trả lờiXóa
  24. hí hí biết thêm 1 chuyện về thời tươi đẹp của chủ nghĩa cộng sản

    Trả lờiXóa
  25. chị viết chân thật lắm ... Su đợi phần tiếp !

    Trả lờiXóa
  26. Công phu ỉa khủng khiếp quá. Chỉ có mấy con heo là sướng

    Trả lờiXóa
  27. Má, má chỉnh sửa lại một số câu từ này kia rồi post thành nguyên 1 quyển hồi kí đi má!
    Con thích đọc cái phần sau này dzề làm dâu, má bị hắt hủi. Ta nói hồi đó đọc bài đó mấy chục lần luôn.

    Trả lờiXóa
  28. Hì sách má ai thèm đọc con, chỉ có bà con trên blog thương tình đọc cho á!

    Trả lờiXóa
  29. đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 70 cây số, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu..
    đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách hà Nội 50 cây số, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu...
    đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách hà Nội 30 cây số, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu...
    úúuuuuu ... chíu chíu ... chíu chíu ... soẹt soẹt ... oành ... ầm ... cháy .... cháy rồi ....
    hehe ...

    Trả lờiXóa
  30. Cái thời ấy như đám tụi mình, đều nhớ như in nhỉ, còi báo đọng hú phát khiếp!

    Trả lờiXóa