Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Ký ức thời bao cấp

Sáng nay tình cờ đọc trên Vnexpress môt bài nói về "thời bao cấp" làm tôi khóc ròng không đỡ được. Đúng là đa cảm tiểu tư sản. Thiệt là xí hổ quá.
Nhưng quả là nỗi khổ nhục mà tôi đã trải qua trong thời kỳ đó sẽ không bao giờ phai mờ.

...

Năm 1975, gia đình tôi bị đánh tư sản, mất sạch. Ba tôi bị đi học tập cải tạo.
Lợi dụng lúc không có người đàn ông trụ cột ở nhà, người ta dùng vũ lực buộc gia đình tôi đi kinh tế mới.
Năm 1977, không chịu nổi cái đói và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc, Mẹ tôi quyết định đưa 7 đứa con nhỏ dại về lại thành phố sống bụi đời nơi vỉa hè, còn tôi ở lại tiếp tục khai khẩn, canh tác hơn 10 hecta đất rừng.

Cuộc sống của người có hộ khẩu thành phố trong thời kỳ đó đã là khốn khổ lắm rồi, đằng này chúng tôi không có hộ khẩu, không có tiêu chuẩn tem phiếu gì hết, bị truy đuổi, đánh đập, giam giữ liên tục. Chúng tôi không thể ở đâu quá 1 tuần, cứ liên tục la lết di chuyển hết con đường này đến con đường khác, khu chợ này đến khu chợ khác. Mẹ con tôi buôn thúng bán bưng đắp đổi qua ngày, và chờ đợi, mà cũng chả biết chờ đợi cái gì.

Rồi, bằng những mối quan hệ nào đó của ông Ngoại với những người đã từng chịu ơn ông trước năm 54, giờ là người chiến thắng, ba tôi được thả.
Sau đó, ba tôi nhờ bạn bè trong giới vận động hành lang để được trở lại bục giảng sau khi học qua một khóa bồi dưỡng chính trị ngắn ngày.

Đường đường là Giáo sư đại học, kiêm Hiệu trưởng một trường có tiếng ở Sài gòn, thoắt cái trở thành ông giáo làng, dạy cấp 1 ở một huyện vùng sâu vùng xa, Huyện Duyên Hải, sau đó xin chuyển về Gò vấp. Thế là còn may đấy, vì dù sao cũng xin được hộ khẩu cho vợ, rồi mỗi năm một lần nỉ non lạy lục cho từng đứa con vào hộ khẩu. Mãi đến năm 1985 cả gia đình tôi mới có hộ khẩu đầy đủ cho cả 11 người. Vài năm sau, khoảng năm 1987, ở tuổi 50, ba tôi bị buộc nghỉ hưu non, 3 năm sau nữa ba tôi mất, vì bệnh thì ít, vì uất ức thì nhiều.

...

Lại kể tiếp chuyện của cá nhân tôi, năm đó tôi 13 tuổi, một mình giữa rừng, coi sóc khu rẫy bắp của gia đình, đất thì rộng mà chỉ có mình tôi nên bọn trộm cắp hoành hành rất dữ, đói quá mà.
Hằng đêm tôi đều phải vác rựa đi tuần suốt đến sáng, về nghỉ một chút lại phải đi lùng sục tiếp, thế mà bắp vẫn bị bẻ trộm, cả khi nó còn sữa, đến lúc thu hoạch mất trộm hơn một nửa, tôi chỉ còn biết ngồi đó mà nhìn đống thân bắp trụi lũi khóc rấm rứt vì tức giận.

Năm sau tôi trồng khoai mì, tưởng rằng sẽ không mất nữa, nhưng cuối cùng khi nhổ lên mới biết chúng đã đào ngang hông bới trộm hết những củ to từ hồi nảo hồi nào rồi, chỉ còn lại những cọng rễ bé bằng ngón tay cái. Đúng là bần cùng sinh đạo tặc.

Còn về cái đói ư?
Ối dào ôi, chả có mấy người thực sự biết cái đói nó như thế nào đâu.
Lần đó tôi bị bệnh, sốt sình xịch mà vẫn phải lên rẫy phát cỏ chuẩn bị đất cho kịp xuống giống khi mưa xuống. Kết quả là tôi ốm liệt giường, mà đó đang là cuối mùa khô, mùa giáp hạt của dân làm rẫy.
Trong nhà không còn một hạt gạo, không còn bất cứ thứ gì có thể ăn ngoại trừ rau rừng, củ quả rừng, mà ngay cả những thứ đó cũng càng ngày càng hiếm, bởi ai cũng đi hái lượm suốt cả mấy tháng mùa khô rồi.
Tôi nằm đó, tay chân bủn rủn, không thuốc men, không cơm cháo gì cả, mấy ngày đầu còn ráng bò ra vườn gặm đỡ lá cây hoặc gốc những cây rau trong mảnh vườn bé tẹo bên hông nhà.
Đâu một tuần sau thì tôi không còn sức để bò nữa, cố lắm tôi mới lăn ra được cái thau nước trước đó mấy ngày tôi múc sẵn để rửa mặt cho đỡ nóng sốt, rồi nằm lì ở đó luôn, cứ nóng quá thì đắp khăn lên trán, khát quá thì, cũng thứ nước đó, vã lên môi vài giọt. Tôi không nhớ được rằng mình đã không ăn tự bao giờ, có lẽ đến một tuần, nhưng tuyệt nhiên tôi không còn cảm giác đói vật vã như trong mấy ngày đầu.
Tôi nghĩ rằng tôi sắp chết, tôi đã gần như buông xuôi mọi thứ, tôi thầm thĩ cầu nguyện, cố gắng để thứ tha cho những người đã đẩy tôi và gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh bi đát này, bởi lúc ấy tôi tin rằng, nếu tôi biết thứ tha thì tôi sẽ được tha thứ và sẽ được lên thiên đàng hưởng cuộc sống sung sướng vĩnh cửu.

Nhưng rồi, chẳng hiểu từ đâu trong tôi có một tiếng nói, bảo rằng tôi phải sống, phải chiến đấu đến cùng vì gia đình tôi, vì sự kỳ vọng của cha mẹ tôi, vì sự tồn vong của gia tộc tôi, bởi tôi là cháu đích tôn của cả dòng họ Ng. Q. mà.
Thế là tôi cố gắng mở mắt ra, cố gắng để tồn tại, ngay lúc ấy cơn đói khát quay trở lại cấu xé ruột gan tôi, mà đúng hơn là nó hành hạ tâm trí tôi nhiều hơn. Ý chí thì quyết liệt lắm nhưng thân xác thì không thể điều khiển được nữa, nó cứ đờ ra.
Khi ấy nước mắt tôi cũng đã tuôn trào ra vì đau đớn đến tận cùng.
Bằng tất cả sức mạnh của ý chí tôi cố với lấy quyển sách mà tôi thường xé nhỏ ra để nhóm bếp, quăng vào chậu rửa mặt, sau đó nằm chờ cho nó rữa mềm ra, cấu từng mẩu nhỏ cho vào mồm, trợn mắt lên và nuốt. Cố gắng tọng cho đầy bụng cái thứ "bột giấy đã qua xử lý" ấy như thế được hai buổi thì tôi đã có thể lò dò ra vườn vặt lá khoai mì để ăn rồi.
Nhưng sau đó là bi kịch, tôi ăn nhiều quá, cái thứ lá chứa đầy độc tố chết người ấy, tôi bị say, ngộ độc nặng. Người tôi lúc thì nóng như lửa, lúc thì lạnh run, ói mửa liên tục, mắt hoa lên không còn thấy gì nữa.
Thể xác tôi lịm dần, lịm dần, trong khi tâm trí tôi bật khóc.

...

Sau khi tỉnh dậy ở trạm xá huyện, tôi mới được biết chú Thành bò, có rẫy cách đó khoảng 3 cây số tình cờ đi tắt qua rẫy tôi để về nhà cho nhanh thấy nhà tôi tối om, chú mò vào nghe ngóng thì phát hiện ra cơ thể tôi đã cứng đờ, miệng sùi bọt, mắt trợn trừng...Chú cõng tôi về nhà cho uống nước cốt đậu xanh rồi tiếp tục cõng tôi ra bệnh xá cách nhà hơn 20 cây số đường rừng giữa đêm khuya.
Chú ấy đã cứu mạng tôi trong gang tấc.
Sau chú ấy bị giết trong trận tập kích của bọn khơme đỏ, ngay trong cái đêm chú buộc tôi phải di tản khỏi rẫy, ra chợ Vịnh lánh nạn tạm mấy ngày.
Lúc tôi trở về rẫy, chú ấy đã chết trương ra rồi, đầu bị cắt rời, thân thể đầy vết đâm chém của dao rựa...
...

Tôi bỏ rẫy về Sài gòn, cùng gia đình sống cho trọn "kiếp người thời bao cấp".

Và giờ đây, tôi ngồi đây, phì phèo điếu ba số, kể bạn nghe về cái thời thà không làm người còn hơn.

...

UFO

Đọc xong bài của bạn này viết, mình rưng rưng nước mắt-

28 nhận xét:

  1. Sợ quớ, hồi đó chị gái em thi trượt đại học phường nó dọa cho đi Kinh tế mới cắt gạo, cắt thực phẩm coi như bị bỏ đói cho chết rùi còn chi, ba mẹ thương con hem bik sao nữa, đành phải động viên để chị em học trung cấp Y, đừng có mơ ước chi Đại học đại hiếc chi hết, thời thế thế thời họ ép đi kinh tế mới Lâm Đồng thì hết đường về với mẹ há.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc những "bi kịch" này để lý giải tại sao người ta có thể tha thứ nhưng không thể nào quên.

    Trả lờiXóa
  3. Quá khứ của tớ không bằng bạn này, nhưng tớ cũng đói- đói khát như thú bị bỏ đói.

    Trả lờiXóa
  4. Đấy! Cậu thấy chưa? Cậu có muốn tớ kể chuyện của tớ, của bạn bè tớ không?
    Để làm gì? Khi mới nghĩ tới đã thấy đau? Đã muốn tuôn nước mắt?
    Những điều ấy nó khắc sâu vĩnh viễn vào ký ức, chẳng thể nào quên đâu. Nhưng nghĩ đến, nhớ đến, đào xới nó lên làm gì khi nó khiến ta đau?

    Trả lờiXóa
  5. Em vô học Đại học mà khổ hơn đi tù chị à, ăn cơm gạo mốc độn bobo, thức ăn là 1 món canh toàn quốc rau muống nấu còn nguyên rễ, nước đen xì như nước cống...ặc ặc

    Trả lờiXóa
  6. Sinh viên thủ đô còn thế, thì bạn tưởng tượng trại viên cải tạo, và cơm tù dành cho bọn phản quốc ra sao?

    Trả lờiXóa
  7. Chắc hông ngòi bút nào tả nổi.

    Trả lờiXóa
  8. Nhà em hồi ấy cũng bị đi KTM, ba bị đi cải tạo đó.

    Trả lờiXóa
  9. Em đã từng sống trong thời kinh hoàng này , Mẹ nó chứ lạm phát 200% mà chúng nó vẫn tuyên truyền chúng đang tiến từng bước vững chắc để lên thiên đường .

    Thời đó ăn cắp ở nơi em sống toàn là dân quân , công an khu vực

    Trả lờiXóa
  10. Thời bao cấp mà gọi là "để nhớ" như cái bài trên mạng đó thì chỉ có con nhà "cán bộ cao cấp" thôi. Đại đa số dân VN từ Bắc tới Nam đều chìm trong đói nghèo, khổ cực.
    Quên làm sao được những kí ức thời bao cấp, nhưng ko muốn viết chị à.

    Trả lờiXóa
  11. Em nghe bố kể thời ấy nồi cơm độn nghi ngút khói mà quay đi quay lại không còn hột nào. Đói dã man. Bố với bà nội đi buôn gạo chui có 1 hộp cơm độn bà nội bắt để dành không cho ăn, tới khi cho ăn thì mở ra thiu mất. Đói qua bà nội đi nhặt ve chai, trốn vào kho Long Bình (Biên Hòa) nhặt phế liệu ai ngờ trúng bom, chết mấy ngày cả nhà mới biết.

    Trả lờiXóa
  12. ka không dám nghĩ, không dám nhớ tới thời điểm ấy nữa. Như là 1 vết cắt sâu, nỗi đau vẫn còn âm ỉ, nhớ hay nghĩ về thời đó chẳng khác nào làm cho bật toé máu trở lại, chỉ tự mình làm đau mình....

    Trả lờiXóa
  13. Nhớ tới lúc ấy và vui mừng vì bây giờ mình được như vậy . Đó cũng là lý do chính khiến nhiều người chịu yên phận , không đòi hỏi những quyền mình đáng ra phải được!

    Trả lờiXóa
  14. Đây là bản kể tội ác đảng đã làm cho biết gia đình VN tan nát…trong đó có gd tui

    Trả lờiXóa
  15. Bạn này khổ thật vì chắc vùng kinh tế mới đó ở gần biên giới ? Còn kinh tế mới chỗ tớ thì rùng rợn nổi hết gai ốc vì toàn rắn là rắn, mùa mưa rắn chui cả vào chỗ người ngủ...eo ôi khủng khiếp lắm...Tớ nghĩ thương cho bố mẹ mình hết sức, tài sản tiền bạc chắt chiu thức khuya dậy sớm để làm lụng cực khổ, lúc mới khá lên được thì lại bao nhiêu lần mất sạch, phải làm lại từ đầu đến hơn bốn năm lần tới đuối luôn... tớ đi học nội trú ăn cơm toàn bo bo nấu nhão nhét, ấy vậy mà nhà bếp còn phải bỏ cơm bo bo lên cân đồng hồ cân cho từng sinh viên không dư tiêu chuẩn một tẹo nào, thế mới ghê chứ ? Còn canh toàn quốc là chuyện thường ngày, hic! ...thôi, chả muốn nói làm gì nửa ...

    Trả lờiXóa
  16. HH thấy chưa? Cậu thọc dao vào vết thương cũ của mọi người rồi đấy nhé.

    Trả lờiXóa
  17. Hoàn toàn đồng ý với P. Mẹ Đốp mi nhớ đấy!

    Trả lờiXóa
  18. :((( huhuhu...tớ cũng đang chết điếng vì bùn đây cậu...

    Trả lờiXóa
  19. Thời bao cấp đã qua,nhưng quên thì khó lắm

    Trả lờiXóa
  20. trải qua thời ký quá độ để cùng nhau tiến lên thiên đường xhcn chớ
    thật ra, dân Việt đói khổ không bút nào tả hết nhưng chưa kinh hoàng như dân Tàu, đói tới mức túm lấy đứa bé nhất trong gia đình cho vào nồi nấu cả nhà cùng ăn !!!

    Trả lờiXóa
  21. thôi đừng bùn H ạ, chả ích gì...dẫu sao thì cũng chỉ thế mà thôi ...

    Trả lờiXóa
  22. Chẳng có "bạn đọc" nào mà viết kiểu đó chị ơi. Bài này là bài nhằm xoa dịu, giấu tội ấy mà. Chắc hẳn của mấy ku tuyên giáo chỉ thị đàn em viết.

    Trả lờiXóa
  23. Mỗi người kể chuyện nhà mình chắc nước mắt cũng đủ làm ngập lụt! Nhiều khi muốn viết, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại viết để hằn học, trách mắng, nổi giận sẽ giải quyết được cái gì?
    Có lẽ sẽ phải để cho lòng khi nào thật dịu, khi nỗi đau đủ hóa đá khi đó mới có thể bình tâm viết.

    Trả lờiXóa
  24. Thời bao cấp thiếu gạo, thiếu đường, thiếu vải, thiếu kem đánh răng, thiếu xà phòng, thiếu cà phê... thiếu đủ thứ hàng hóa.

    Đùng một cái theo gương anh Liên Sô "đổi mới", thả lỏng sức dân phần nào, cho dân buôn bán làm ăn, cho nông dân phần nào tự do sản xuất lúa gạo, Việt Nam bỗng một sớm một chiều đứng nhì thế giới về xuất cảng gạo, đứng nhì, ba về cà phê! Có phải tại hai chữ "cộng sản" không? Liên Sô, TQ, Bắc Hàn, Cu Ba, Đông Âu xưa cũng đói tơi tả.

    Lạ chưa? Vậy mà đại hội đảng 11 đầu năm tới vẫn kiên quyết đi theo định hướng XHCN (là cái gì dzậy?). Một, nó vẫn thói láo, nói một đàng làm một nẻo, làm tư bản, nói cộng sản. Hai, nó coi dân như hình nộm, nghĩ rằng bảo sao dân cũng nghe và chấp nhận.

    Trả lờiXóa
  25. Chế độ Hitler đã cáo chung từ hơn 65 năm nay, nhưng mỗi năm, ít nhất là ở Đức, ít nhất là trong các buổi lễ tưởng niệm, người ta - từ thủ tướng đổ xuống - đều lên tiếng nhắc nhở: Không được quên quá khứ, phải nhắc cho các thế hệ sau biết đến tội ác của chế độ Hitler! Để tội ác không lặp lại.

    Trả lờiXóa
  26. ở bên Đức, các trại tập trung của phát xít có một bức tường tưởng niệm các nạn nhân và dòng chữ
    NEVER AGAIN !!!
    Việt Nam cũng cần một đài tưởng niệm tội ác cộng sản và dòng chữ NEVER AGAIN !

    Trả lờiXóa