Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Biếu xén Trung thu- bao cấp Trung thu

Câu chuyện xung quanh chiếc bánh Trung Thu
Mới qua rằm tháng 7 được vài ngày mà ở khắp nơi,từ những Siêu thị sang trọng mang những cái tên kêu như “Citymart,Co.op mart….” đến những cửa hàng Bách hóa bình dân hơn, cả những ngôi chợ nhỏ ,nơi mua bán của những người  có thu nhập khiêm tốn …người ta đã thấy bầy la liệt những quầy bán bánh Trung Thu đủ các thương hiệu danh tiếng như Đồng Khánh,Kinh đô,Bibica…Được trưng bầy trong những chiếc tủ kính lộng lẫy,những hộp bánh nướng ,bánh dẻo đủ loại ,từ những loại sang trọng với nhân vi cá jambon, gà quay jambon, jambon bát bửu, thập cẩm lạp xưởng…..với bảng giá mà mới chỉ mới trông thấy thôi đã đủ làm cho những người thuộc tầng lớp trung lưu phải giật mình kinh hãi mà tự hỏi:”không biết giá cả thứ bánh mà từ xưa đến nay vốn chỉ dành cho đám con trẻ thì không hiểu những con cái nhà nào có khả năng ăn những thứ đó!!Có ai dám nghĩ rằng một hộp bánh Trung thu,thứ quà  mà từ xưa đến nay chỉ dành cho đám con nít mà có thứ có giá ngất ngưởng đến gần 1000000 đ một hộp gồm 4 chiếc!!!Lại còn thứ bánh dành cho Thiếu nhi với giá 14000 đ một chiếc.À,thì ra những thứ bánh nói trên không dành cho Thiếu nhi!!,vậy chúng dành cho ai?
Vì thế mà một tờ báo đã có bài với cái “tít” như sau:”Bánh trung thu bây giờ không dành cho trẻ con!” .Tác giả bài viết trên nêu lên một tệ nạn mới xuất hiện từ khi có nền kinh tế thị trường:người ta dùng bánh trung thu thay cho phong bì,nào là nhân viên dùng bánh để biếu thủ trưởng,các đối tác làm ăn thì bên A biếu bên B,bê B lại biếu bên C…cứ xoay vòng như thế, có nhiều khi những chiếc bánh lại quay về nơi xuất phát. Tác giả còn kể một câu chuyện mà người đọc vừa đọc vừa cảm thấy xấu hổ cho sự xuống cấp của Văn hóa: có mấy đứa trẻ ,con một bà làm trưởng phòng một cơ quan nọ,thấy trong phố đã bầy bán bánh trung thu bèn xin tiền mẹ để mua vài chiếc ăn thì được bà mẹ phán một câu xanh rờn: “mua làm gì vội con,để mấy hôm nữa,các cô, các chú ở cơ quan mẹ mang đến biếu mẹ thì chỉ sợ các con ăn không hết ấy chứ!!!”
Còn mấy ông bố ,bà mẹ thuộc từng lớp bình dân thì trấn an các con mình bằng điệp khúc quen thuộc:”các con gắng chờ dến qua ngày trung thu,bánh người ta bán không hết thì sẽ:”mua một ,tặng một” ngay ấy mà,lúc đó tha hồ ăn. Đúng là cái chuyện:”buy one,get one free”thì năm nào mà chả sẩy ra, thế mà các nhà sản xuất bánh cứ vô tư mà tung ra thị trường đủ thứ bánh từ một tháng trước tết trung thu? Họ không rút kinh nghiệm sao?Họ không cần rút kinh nghiệm, vì họ nắm rất vững cái quy luật:” bánh cứ làm thả giàn đi,để cho cánh đại gia mua để còn biếu xén nhau,nếu có ế thì đám trẻ con nhà nghèo sẽ”thu mua” tất tật sau khi hết Tết!!!
Sau khi đã dạo một vòng quanh phố,khi về nhà,Thầy giáo làng là tôi đây chợt nhớ đến một kỷ niệm đã đọng lại trong tâm trí tôi từ những
Thập niên 60,70 của thế kỷ trước,hồi đó đất nước ta còn chưa Thống nhất, và gia đình tôi còn sống ở Hà nội,vào thời gian mà  các nhà văn nước ta thường gọi là:” những năm tháng không thể nào quên được”,
Vâng,ngày đó bánh trung thu,cũng như mọi thứ nhu yếu phẩm khác,đều được phân phối theo tem phiếu,theo bìa gia đình.Vì thế mới có những chuyện vui như có cửa hàng treo bảng:”Ở đây bán thịt Thương binh”,một chỗ khác có ghi:”ở đây xay bột trẻ em”….
Với người Hà nội,những dòng chữ đó quá quen thuộc nên cũng chẳng ai ngạc nhiên.Nhưng,bỗng một hôm có một ông Tây(xã hội chủ nghĩa thôi) ,do công việc,cũng có học tiếng VN,nên khi đọc được những dòng trên thì thất kinh rụng rời mà hỏi một người bạn VN đi cùng:”Sao lại có thịt thương binh bầy bán thế này?”làm anh bạn VN phải giải thích mãi,ông Tây kia mới hiểu.
Trở lại với câu chuyện về bánh trung thu ngày đó không có lại lạc đề mất
Ngày ấy(năm 1965),thằng cháu lớn nhà tôi mới lên 5,còn đang học Mẫu giáo.Thói thường con trẻ hễ cứ gần đến Tết trung thu thì đứa nào chả náo nức chờ đợi một ngày hội mà theo truyền thống là chỉ để dành cho trẻ con,mà đã là tết trung thu thì ắt là phải có bánh dẻo,bánh nướng.Vì thế mà mới có sau ngày mùng 10 tháng tám mà cháu đã đòi tôi đi mua bánh trung thu cho cháu,mà phải có đủ cả hai thứ bánh nướng ,bánh dẻo.Tôi đành phải tìm cách hoãn binh cháu bằng lời hứa:”độ vài hôm nữa,giáp tết rồi bố sẽ mua cho con đủ thứ quà trung thu,rồi còn bầy cỗ trông trăng nữa,mua sớm thì hôm đúng rằm lấy gì mà bầy cỗ.Ngày 14 tháng 8,tôi lững thững ra cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh ở đầu phố Huế ,đến quầy hàng bán bánh định bụng mua cho cháu mỗi thứ bánh một chiếc để cháu bầy cỗ trông trăng đêm rằm.Tới nơi,tôi thấy mọi người đứng xếp thành một hàng dài trước quầy bán bánh,tôi bèn đứng nối đuôi vào đó,thầm tính với vài chục người như thế này thì chỉ khoảng nửa giờ sau là đến lượt mình.Đang định mở tờ báo ra xem cho đỡ sốt ruột thì người đàn ông đứng trước mặt tôi quay lại hỏi:”Bác đi mua bánh mà sao đi tay không thế kia,bìa mua hàng đâu?”Tôi giật mình hỏi lại:
-Bìa gì cơ?
-Thì bìa mua hàng của gia đình Bác chứ còn bìa gì nữa!Mua bánh trung thu,không cắt phiếu,nhưng phải có bìa mua hàng để người ta biết gia đình Bác có mấy người mà phân phối chứ.
Tôi vội nói:”thôi chết,tôi lại quên mất cái khoản đó nên quên bìa ở nhà rồi
-Thế nhà Bác có gần đây không?
-Ngay đầu phố thôi
-Thôi,thế để tôi giữ chỗ cho,chạy ù về mà lấy đi.
Tội cảm ơn ông ta rội chạy vội về nhà lấy tấm bìa mua hàng rổi trở lại cửa hàng ngay.
May quá,khi tới nơi thì người đàn ông đứng trước tôi đã sắp đến lượt. Ông ta kéo tôi vào đứng sau,sau khi đã giải thích cho những người xung quanh biết là tôi để quên bìa nên phải về lấy.
Sau vài phút,đến lượt tôi,tôi bèn chìa chiếc bìa ra trước mặt cô Mậu dịch viên và lễ phép nói:”cô bán cho tôi một cái bánh nướng,một cái bánh dẻo”.Cô ta ngạc nhiên nhìn tôi rồi vừa che miệng cười vừa hỏi:
-Chắc lần đầu tiên Bác đi mua hàng phải không?
-Cô nói sao,bìa của tôi không hợp lệ chắc?
-Không phải là không hợp lệ,nhưng bìa của nhà Bác màu vàng, như vậy nhà Bác chỉ có 3 người,mà 3 người thì chỉ được mua ½ chiếc thôi,bác lấy thứ gì cũng chỉ được mua ½ chiếc thôi.Tôi đứng tần ngần chưa biết tính sao thì ở phía bên dưới,mọi người đã ồn ào lên: Đề nghị mua bán nhanh nhanh lên,không mua thì tránh ra bên cho người tiếp theo mua.
Tôi đành phải bấm bụng mua ½ cái bánh nướng rồi ra về,mặt ngơ ngác như người vừa mất cắp.
Về đến nhà,kể lại sự việc vừa sẩy ra cho vợ con nghe thì vợ tôi không mấy ngạc nhiên về cung cách bán hàng của nhà nước.Bà ấy chỉ cười mà nói:”tại lâu nay,anh không mấy quan tâm đến chuyện mua bán nhu yếu phẩm nên mới buồn thế thôi,còn em thì chả lạ gì chuyện đó,nhiều khi đi mua hàng,mình mất tiền mua mà mấy cô bán hàng cứ làm như nó cho không mình không bằng”
Với tôi,chuyện mua bán này cũng chẳng làm tôi bận tâm lâu làm gì,nhưng với thằng con trai tôi thì nó vô cùng thất vọng với cách giải thích của mẹ nó về cái mầu vàng của tấm bìa mua hàng nhà mình chỉ mua được ½ chiếc bánh.Nó thắc mắc:”sao con thấy nhà thằng Bi bên cạnh nhà,cũng chỉ từng ấy người mà bố nó mua được những 4 cái bánh,hai bánh nướng,hai bánh dẻo?
Đến đây thì tôi đành im lặng mà không giải thích được cái ngoắt ngoéo của chế độ phân phối của nước ta trong những năm tháng”không thể nào quên được đó”.Làm sao tôi nói để nó hiểu là bố thằng Bi không phải là một “Thầy giáo làng” như bố nó.Ông ta là một ông Vụ trưởng của bộ Văn hóa,bìa mua hàng của ông ta có màu xanh,được mua hàng ở cửa hàng nhà thờ,nơi bán hàng cho các cán bộ trung cao cấp,nó khác xa với cái bìa mầu vàng thứ bìa mua hàng của đám thứ dân trong cái xã hội này.
Ngày ấy trong dân gian có lưu truyền bài vè sau,nó phản ánh chính xác cái cảnh phân phối hàng hóa trong cái xã hội văn minh nhất Đông Nam Á này:
Tôn đản là chợ vua quan
Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần
Con phe có chợ Đồng Xuân
Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng
Giải thích:
Ở phố Tôn đản có cửa hàng phân phối cho các cán bộ cao cấp:từ Bộ,thứ trưởng,Trung ương ủy viên trở lên.Muốn mua gì cũng có
Ở phố nhà thờ có cửa hàng phân phối cho các cán bộ Trung cao:các vụ trưởng,Giám đốc,giáo sư…
Chợ Đồng xuân là nơi buôn bán tem phiếu,do các nhà được mua hàng nhưng mua không hết,bèn đem ra bán cho bọn con phe để bọn này bán lại kiếm lời
Còn ngoài vỉa hè thì ai mua gì cũng có,chỉ có điều giá cả sẽ cao lên hàng chục lần
Saigon,mùa Trung thu 2009
Thầy giáo làng
 
 

7 nhận xét:

  1. bánh nhân 2 trứng từ 42,000 - 60,000 vnd òi chị ui !
    Nói nghe này, năm nay chớ ăn bánh Trung Thu nhé. Em nghe tin vịt thông tấn xã gà vịt ấy, có mấy tấn thịt heo bệnh chít thổi trương lên, các lò bánh trung thu mua lại, chế biến làm nhân bánh đóa ... chị mua bánh nhân heo H1N1 biếu các quan chức cộng sản thì ok hic hic ;D

    Trả lờiXóa
  2. Chị ăn bánh trung thu là bị ẩy chỉa liền, có dám ăn đâu!

    Trả lờiXóa
  3. Em đã ăn bánh trung thu từ gần 2 tháng trước ..lúc nó mới nhập qua từ HongKong ... bảo đãm khg bị đau bụng ...khá ngon đó Hương ..nhưng chị bên VN ..em xin chị .. có mắc cỡ nào cũng khg ai bảo đãm trong đó có ba cái đồ gì ..kinh lắm .. dù sao thì bên này nó khg dám bán bậy bạ ..người ta ăn bị gì ..tù chết ..còn mang tiếng nữa .

    Trả lờiXóa
  4. hết cái háo hức để được ăn 1 phần tư cái bánh trung thu... cái cảm giác đó thiệt là... đã!!!

    Trả lờiXóa
  5. Ra khỏi phạm vi SG,các bạn sẽ thấy có những người đi gần hết cuộc đời vẫn chưa dám mua cho gia đình và mình một hộp bánh trung thu,trong khi có những gia đình bánh được biếu chất đầy nhà.Nói thật, tôi chẳng bao giờ đếm xỉa đến loại bánh này vì đã không ưa cái mùi vị"tả pí lù"của nó từ nhỏ.nhưng đứng trước những cảnh như vậy,tôi chỉ mong cho luật Nhân-Quả sớm xuất hiện.

    Trả lờiXóa
  6. Con gái ngoạm một phát hai cái bánh lận. Hic!!!

    Trả lờiXóa
  7. Hổng xực uổng lắm bố ạ! Đang chán định kím chiện quậy sình lên chơi à bố!

    Trả lờiXóa