Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2009

Entry for January 30, 2009 Câu chuyện nghe ngày 5 Tết.


Chuyện kể có thật.

Bà ấy sinh ra ở đất Bình lục, nơi thói lề nhà quê ăn hằn lên trên từng nếp nghĩ của từng con người chỉ biết sống trong vòng vây lũy tre làng, cả đời có khi chỉ bước chân ra khỏi làng hai ba lượt.

Bà ấy cũng là thuộc loại con gái có nhan sắc, vừa lớn lên chưa kịp thành thiếu nữ đã có người rước về làm vợ. Tất tả đồng áng, chăm con đẻ sòn sòn hai năm một đến hơn ba mươi tuổi gần bốn mươi thì bà ấy đẻ đến thằng út thứ sáu.

Đẻ xong, mất máu, người bà ấy gầy mòn, già cỗi đi như năm sáu chục tuổi rồi, đứa con đẻ ra không có sữa mẹ, mà thời ấy lại vào khoảng thời bao cấp khủng hoảng nhất, nên chị em thằng bé túm tụm đi xin nước cơm, xin tí sữa quanh làng nuôi bộ thằng bé út. Thằng bé mới hai tháng, con chị kế đã phải nhai cơm độn khoai nhè nước mớm cho thằng bé, ơn trời thằng bé vẫn lớn lên mà ít ốm đau quặt quẹo.

Bà mẹ cứ dần dần quắt queo hết cả người, làm một tí thì thở dốc, người làng bảo bà ấy bị hậu sản mòn. Bà ấy vẫn cố gắng gượng dậy lo toan chuyện gà qué ở nhà cho đến lúc thằng bé hơn một tuổi thì bà nằm liệt. Từng thớ thịt dần biến mất dưới làn da ngày càng khô khốc nhăn nheo.

Gia đình không tiền đưa bà ấy đi chữa bệnh, cô gái lớn ngày nào cũng ra đồng hái cỏ sước về sao nước cho bà uống. Cơm không đủ ăn, có tí nào mấy chị em cũng để dành lại cho mẹ và thằng út, cũng chỉ là cơm canh suông với nước lã. Có ông lang làng bên xem bệnh tình cho bà ấy bảo chữa được, mấy chị em nó ra đồng gắng gượng mót thêm cũng chỉ đủ tiền cho mẹ chúng uống thuốc ông lang một tháng. Thế là họ đầu hàng số phận, để cho bà mẹ trẻ nằm đó chết dần chết mòn vì thiếu ăn thiếu thuốc.

Tám tháng sau, cô gái lớn thấy chấy bò lổm ngổm trên cổ, trên mặt mẹ, cô ấy dựng mẹ dậy chải tóc bắt chấy- cả cái miếng vỏ bao xi măng biến thành màu đen của chấy kềnh chấy càng – con nào con nấy to cũng cỡ nửa hạt đậu xanh. Cái phản mẹ cô ấy nằm chỗ nào cũng chấy, chúng nó bò từng đàn, từng lớp không làm sao phủi hết.

Bà mẹ ấy vẫn hớp nước cháo để tồn tại trên cõi đời, mười ngày sau khi đàn chấy tấn công bà ấy, bà đành từ giã cõi đời bằng một tiếng thở hắt não nề. Họ chôn bà ngoài đồng, bà nằm đấy và mỗi năm con cháu tựu về ngày giỗ làm bảy tám mâm làng trên xóm dưới đông vui .

Giá mà có thuốc thì bà không chết oan uổng thế, giá mà có ăn thì bà chết da chả bọc xương, hốc mắt không lõm như đầu lâu người chết.

Nghe câu chuyện xong- cứ ngỡ như là chuyện hư cấu. Ấy thế mà nó có thật đấy. Nơi ấy cách mạng về cũng lâu, họ bảo rằng họ đem hạnh phúc ấm no cho nông dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét