Thứ Tư, 16 tháng 1, 2008

TỔ QUỐC, DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA,


Xếp từ “chủ nghĩa” bên cạnh Tổ Quốc và Dân Tộc, đã thấy không thuận, nó chướng tai gai mắt, nhưng thực tại nó đã từng lấn át Tổ Quốc và Dân Tộc, và nó vẫn lúc công khai lúc ngấm ngầm lấn át, dù cho nó (chủ nghĩa) vẫn phải nhân danh hai giá trị trên. Vì vậy có nên đề ra một yêu cầu thuận tình hợp lý là:

Hãy trả lại vị trí cao nhất cho Tổ Quốc và Dân Tộc!

Kêu gọi thế thôi, chứ từ xưa tới nay, đây là việc khó làm, cực kỳ dễ mà cũng cực kỳ khó. Chí công vô tư thì dễ, ngược lại thì khó.

Tổ Quốc và Dân Tộc chỉ chiếm địa vị độc tôn từng thời kỳ, cái thời kỳ mà quyền lợi của Tổ Quốc và Dân Tộc chưa bị lấn át. Khi mà những tập đoàn cầm quyền chưa kịp nghĩ tới quyền lợi riêng tư của họ, chưa sa vào những cạm bẫy mang danh tính cá nhân, lẽ thường tình mà nó đại diện là quyền lợi bản thân, gia đình và dòng tộc họ, cho cả đời nay và đời sau.

Nói thế thì trong những tập đoàn cầm quyền không có những người chí công vô tư hay sao? Có đấy nhưng chỉ là “thiểu số trong đa số”. Trong thể chế dân chủ hiện nay thì ai cũng phải biết là “thiểu số phục tùng đa số”. Nên cái ánh sáng đó không lan tỏa chiếu sáng được, mà chỉ le lói giữa “ánh đêm” chỉ tự chiếu sáng mình mà thôi, đáng buồn! Những con người đó đều hiểu rằng: nếu dơ cao ngọn đuốc thì chưa kịp chiếu sáng đã bị dập tắt ngóm. Bản năng sinh tồn đã khiến họ không dám cưỡng lại số phận.

Gần đây, ngoài nước ồn ào kêu gọi lật đổ chế độ này. Thực chất là phế truất tập đoàn cầm quyền hiện nay, mà cũng có nghĩa là chống lại Đảng cầm quyền. Trong nước cũng có những người ít nhiều đồng tình với phương hướng đó. Chỉ có điều lật đổ rồi thì nhà nước này trao vào tay ai? Các vị đã tính tới chưa? Trao vào tay những người lòng mang đầy hận thù, chỉ toan tính đến chuyện trả thù rửa hận, chỉ nhăm nhăm cướp lại cái đã mất… Thì liệu quê hương đất nước có còn được yên ổn mà xây dựng không? Chắc là không rồi. Lại liên tiếp nhiều năm “nồi da xáo thịt”.

Thôi, việc này hãy để dân “sở tại” chúng tôi tính. Đừng nghĩ rằng chúng tôi tối tăm tới mức cần đến những ngọn đèn cầy từ bên kia đại dương chiếu sang. Duy sự lo lắng đến tiền đồ quê hương đất nước, lòng tâm huyết, thiện chí đối với Tổ Quốc của bất cứ ai, thì trong nước ngoài nước, quê hương sẵn sàng đón nhận, bao nhiêu cũng không thừa.

Người chèo đò là người phải đứng trên con đò chứ đứng trên bờ mà thò tay vào lèo lái thì… con đò sẽ tới bến bờ nào?

Yên tâm đi các bạn, người tài, người giỏi, người tâm huyết với dân với nước, chúng ta không thiếu, chỉ hiềm nỗi họ không phải “đảng viên”, nên đảng chưa thể né ra mà nhường chỗ cho họ cầm quyền. Việc này không khó khăn gì, một khi bầu cử mà chúng ta bỏ được khâu hiệp thương.

Tình hình Việt Nam hôm nay như thế nào? tuy là người trong nước, nhưng không phải ai cũng biết được, biết sơ sơ thôi chứ đừng nói đến tường tận. Bởi vì sao? Phải chỉ thẳng ra rằng: Vì không được công khai, vì bị bưng bít (Có khi chủ trương thì công khai, nhưng khi thực thi thì hết cấp này đến cấp khác vì quyền lợi bất chính mà bưng bít, nếu như sự bưng bít ấy sinh ra lợi nhuận cho họ. Phổ biến nhất là hai vấn đề nóng bỏng, đất đai với quy hoạch hạ tầng và vốn đầu tư nước ngoài. Đừng chụp mũ là người dân đòi dân chủ cực đoan, đòi cái gì cũng phải biết. Không, cái gì vì lợi ích của Dân tộc của Tổ Quốc cần giữ kín thì tất phải giữ, mà phải giữ bằng được. Chúng tôi chỉ muốn những cái gì liên quan đến người dân, đến miếng cơm manh áo, đến nơi trú ngụ, đến cuộc sống hôm nay, đến tương lai của dân chúng thì phải cho dân biết, biết tường tận, cái gì chưa hiểu thì phải giải thích cho kỳ hiểu. Nếu nước còn nghèo, thì nói rỏ cho dân để dân cùng “thắt lưng buộc bụng”. Còn nếu đã khấm khá thì cũng cho dân “nới bụng” ra. Đừng có “niêu” nhà mày vơi thì mặc mày, “nồi” tao đầy mặc tao… Bài học quan hệ với dân trong 9 năm kháng chiến đầu tiên (1945-1954), còn nguyên giá trị, đừng vội bỏ qua. Cái gì đúng là quyền lợi của dân thì phải công bằng trả lại cho dân. Phải chỉ thẳng và trừng trị thẳng tay những kẻ móc túi dân, những kẻ vì bao che cho những kẻ móc túi dân đã hà hiếp dân. Đó mới là thực sự vì dân.

Theo cái đầu óc nông cạn của tôi, thì chỉ chừng ấy thôi. Bảo đảm Dân sẽ ngoan, sẽ yên, vì họ không thấy “Quan bóc lột” mà chỉ thấy “Bạn thương yêu”. Và cái chính là họ được tôn trọng.

Cần lưu ý rằng: Hiện nay người dân không có quyền gì. Có tí chút thì lại là quyền ảo (làm Robot đầu phiếu). Mất dân chủ chính là từ nguồn gốc này.

Sự nghiệp của đảng là công việc nội bộ của các đảng viên, giống như việc nhà thờ của các cha cố, như việc chùa chiền của các tăng ni. Hà cớ gì ta phải bàn đến cái việc không dính dáng gì đến ta? Tại sao vậy? Vì lúc này đây, nếu nói đảng là của giai cấp Cần lao, thì cũng chỉ là hình thức (cần lao nào?), đã nói là đảng cầm quyền, thì đích là đảng cai trị dân. Vì vậy nếu nói là bạn dân thì đã gượng ép, huống chi nói là của dân thì lại càng phản cảm. Tôi nghĩ rằng chỉ nên coi đảng là đồng chí của các đồng chí!

Từ Đảng Phái, có thể hiểu là trong đảng có phái, và thực tế là vậy. Sự đoàn kết thống nhất của đảng chỉ tồn tại khi quyền lực và quyền lợi của các phái chưa trái ngược với nhau. Khi bên này lấn át bên kia thì sự thanh trừng, trấn áp, hạ bệ, lật đổ sẽ bỏ qua mọi ngọn cờ vì dân vì nước, kể cả vì “chủ nghĩa”, khi đó chỉ còn ngọn cờ của phe phái, họ dương cao để bảo vệ quyền lực và quyền lợi của mình.

Lịch sử đã ghi lại: Trước khi đi đến cuộc cách mạng Tháng Tám, riêng miền Bắc đã có 3 phái (chưa kể đến những vùng miền khác), phái ông Trường Chinh, phái ông Chu Văn Tấn và phái Pắc Bó đã thống nhất được hành động, vì đối tượng tranh đấu quá rõ ràng. Quyền lợi của Dân Tộc của Tổ Quốc trước hiểm họa mất nước quá rõ ràng, nên muốn hay không các nhà cách mạng không thể nào làm khác. Họ dễ dàng cùng nhau nằm gai nếm mật, họ ba cùng với dân nên được dân tin dân phục. Kháng chiến 9 năm thành công, kéo nhau về đô thị, nhà cao cửa rộng, cơ ngơi khang trang, mỗi ông “đầy tớ của dân” lại được hàng chục người phục dịch. Dù có sinh hoạt bình dân đến mấy cũng lòi dần cái nếp quan cách dù có do hoàn cảnh tạo nên. Họ phong kiến hóa từ từ một cách không tự giác, rồi tự giác chấp nhận khi nào không hay. Ngay cả khi nhận thức được vấn đề, ông nhà thơ Tố Hữu đã phản tỉnh bằng một loạt bài thơ gửi về bủ về bầm về chiến khu Việt Bắc… Nhưng rồi cũng mau chóng trở thành sáo rỗng. Ông Lành vẫn là chủ một cơ ngơi lộng lẫy góc đường Phan Đình Phùng, chứ không xài cái nếp nhà sàn heo hút nữa.

Có nhẽ tôi cũng không nên xía vào công việc riêng của đảng nữa, mà chỉ dẫn chứng tóm tắt một số sự kiện để “bảo lưu” thêm cái ý “trong đảng có phái” của tôi.

Tại sao ông Hồ Chí Minh đã phải kêu gọi: “Hãy giữ gìn sự đoàn kết trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình!”? Chính là vì ông không còn chỉ phát hiện, mà đã từng nếm trải ảnh hưởng của sự phân hóa trong nội bộ đảng (đảng trong nước cũng như các đảng trên khắp hoàn cầu). Chính vị lãnh tụ này đã từng được học trò của mình vô hiệu hóa một cách lễ phép và rất bài bản. Một loạt học trò thân tín của ông cũng đã được gạt đẩy sang bên một cách lịch sự. (dân gian đã nôm na bằng cụm từ: “ngồi chơi xơi nước”) Sự thanh trừng hàng loạt mang tính phe phái ở mọi cấp, mọi nơi, không loại trừ ở cấp Trung ương. Do hoàn cảnh lịch sử, những chuyện đáng buồn đó chưa cho phép công khai, nhưng điển hình là hai ông đặc đẳng công thần Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan thì đã được công khai khởi tố hình sự vì tội chống đảng (?). Thế thì không phải do phe phái “kình” nhau thì là cái gì? Nhân dân còn rì rầm đồn thổi là mồ ông này bị đổ phân, mả ông kia phải đào lén chuyển đi nơi khác v.v… Mồm miệng dân nó phức tạp, không đếm xỉa làm gì, nhưng cái chuyện mới đây về đám ma ông Trung tướng Trần Độ thì thật là trò hề, một cái trò mà diễn viên không “mặt dầy mày dạn”, không có sự chi phối của phe phái, ắt không thủ vai được.

Nếu ví một đảng cách mạng như một triều đình phong kiến, thì cũng không thật xác đáng, nhưng vì ở đây nó có nhiều điểm tương đồng. Mọi hoạt động cắt đặt trong triều đều từ các thành viên trong “hoàng tộc” và do một “hội đồng hoàng tộc” chỉ định điều phối, trong một sinh hoạt khép kín. Người dân không có quyền tham gia vào đây. Sự tiến cử người tài nhất thiết phải là người của “hoàng tộc”. Trước tiên phải vì quyền lợi của “hoàng tộc” chứ không phải quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Người ngồi ghế trị vì thảy đều lo xa cho con cái sau này, đều đã nhắm trước những người kế vị cho mình, cho phe mình. Một kiểu “cha truyền con nối” cải lương. Sẵn sàng loại bỏ những kẻ không đồng chính kiến, và bóp nát những kẻ chống lại “hoàng tộc”. Như thế thì lấy đâu ra dân chủ ở cái “triều đình” này, ở cái “hoàng tộc” này? Có thể nói, lúc này “hoàng tộc” trên hết, trên cả Tổ quốc, trên cả Dân tộc. Ở nơi nào cá nhân được đề cao thì nơi ấy không thể có dân chủ. Ngay trong “hoàng tộc” đã mất dân chủ như thế thì nói gì dân chủ với dân?

Nhưng dù có dân chủ hay không? Nhiều hay ít dân chủ? Cũng phải thuận với lòng dân, vì nếu đi ngược lại lòng dân thì triều đình nào cũng không thể tồn tại. Lịch sử phong kiến đã chứng minh điều đó, lịch sử hiện nay vẫn chưa đẻ ra được quy luật mới. Hãy nhớ rằng “hoàng tộc” hiện nay cũng chỉ chiếm trên dưới 16% số dân, và ngay trong số 16% đó cũng rất nhiều người còn cha mẹ, ông bà, họ hàng nội ngoại nằm trong nhân dân, nằm ngoài “hoàng tộc”.

Một điều nhận xét nhỏ nữa là những cán bộ cách mạng thời nay rất thích (hay rất thèm) ngồi ngai. Cứ vào những chốn công đình thì thấy từ quận huyện (có thể từ xã) trở lên đều có một loại ghế bành chân quỳ chạm trổ hoa hoét, rồng phượng dành cho lãnh đạo, mà ngay cái ngai của ông vua cuối cùng triều Nguyễn cũng phải thua xa.

Như thế thì từ nội dung đến hình thức tưởng không còn gì để nói thêm về cái sự nghiệp “Phong kiến hóa”.

(Bài viết của một cựu binh đã từng nếm mật nằm gai từ Điện Biên phủ đến khi hoà bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét