Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Entry for April 27, 2009 Dưới góc nhìn của một người cao tuổi


Sau những sự ác, không bao giờ thấy “chúa” , trong mỗi sự lành, luôn có “chúa” ở trong.

Mỗi lần đảng mắc sai lầm, thì thường không được đem ra mổ xẻ, lên án. Nhưng sau mỗi lần sửa sai là cả một chiến dịch tuyên truyền về sự sáng suốt, anh minh.

Sau Cải cách Ruộng đất, đảng ta đã phát hiện sai lầm (tuy hơi muộn) và công khai xin lỗi nhân dân. Đảng ta coi những sự khắc phục sai lầm như một chiến công (?). Thực ra Đảng chỉ chú trọng sửa sai những phần liên hệ đến đảng viên, chỉ quan tâm đến lực lượng của Đảng, đến quyền lợi của Đảng, chứ không hẳn sửa sai với toàn dân.

Sau Nhân Văn Giai Phẩm, đảng không công khai công nhận sự sai lầm, nhưng âm thầm điều chỉnh lại, lần lượt “tội nhân” được nới rộng hoặc tha không công bố, nhưng cũng phải kéo dài nhiều thập kỷ. Vô khối người được “rửa mặt” sau khi đã nhắm mắt xuôi tay, dù cho cũng chỉ là đóng cửa rửa mặt trong buồng.

Sau vụ án “xét lại, chống đảng” thì chẳng có tuyên bố gì hết, vì đây là cuộc tranh chấp giữa những thế lực trong đảng. Nó sẽ còn tồn tại lâu dài vì cuộc tranh giành quyền lực trong các Đảng CS trên toàn thế giới, hay riêng trong nội bộ Đảng CSVN này không thể chấm rứt.

Đảng không công nhận “Khoán hộ” (khoán chui của Bí thư Kim Ngọc). Nhưng cái “Nghị Quyết 10” lại là sự sáng suốt của đảng cởi trói cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển. Không ai dám nói rằng đây là bản Photocopy từ tác phẩm của Kim Ngọc, đây là của Đảng, chứ Kim Ngọc thì đã bị khai trừ.

Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, do sự chỉ đạo sai lầm dẫn đến nhiều tổn thất to lớn không đáng có, nhưng người ta chỉ nói đến những thắng lợi sau đó, những thắng lợi không phủ lấp được những tổn thất, được gây ra cùng một tác giả. Khi có người đánh giá những điều khác với lãnh đạo thì liền bị trù dập tức thì, ví như trong tác phẩm của mình, nhà văn Xuân Thiều đã nhắc lại những tổn thất to lớn mà quân dân mình phải gánh chịu trong dịp Xuân Mậu Thân ở Huế, thì Tổng Bí Thư Ba Duẩn đã mắng đốp vào mặt nhà văn với lời lẽ rất khiếm nhã, miệt thị: “Anh là nhà văn mà sao anh ngu thế?” Thật khó phân biệt ai là người “khôn” ở những trường hợp như thế này.

Nghị quyết 15 của Đảng về cách mạng ở miền Nam ra đời được ca ngợi như một nghị quyết thần kỳ, nhưng giá như đánh giá địch đúng hơn, hiểu rõ bản chất của địch hơn, thì không cần đến Nghị quyết 15 để vớt vát lại những gì tổn hại do ấu trĩ đã để nẩy sinh. Chẳng lẽ cũng lại do địch thâm độc gây ra hết? Nói thế nào mà chẳng được? Thực ra, đưa ra được cái Nghị quyết này khi cơ sở của cách mạng gần như tan rã đến 90% thì cũng đã là một điểm son rồi. Chung quy chỉ tại Ngô Đình Diệm!

Duy vật gì mà sau 1975 đã vội vàng tuyên bố: “Từ nay trở đi sẽ không còn có kẻ nào dám đụng đến lông chân ta nữa!” Chưa rứt lời thì cái anh bành trướng bá quyền nó đã vặt cho từng túm tóc. Nhìn xa trông rộng đến đâu mà một anh khi thăm đất nước Hungary dám huênh hoang tuyên bố: “10 năm nữa Việt Nam sẽ đuổi kịp Hungary” (?)… Nhiều chuyện nữa mà người ta thường cho là mắc phải “Duy ý chí”, không ai dám phân tích đó chính là “Duy Huếnh”, duy tâm.

Thống nhất rồi, những tưởng đát nước ta sẽ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhưng 10 năm qua đi, cả đất nước đã “đứng trên bờ vực thẳm” (nói theo nhận dịnh của các anh). Anh Nguyễn Văn Linh vội vàng đề ra “Những việc cần làm ngay”, “Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”, “Dân là gốc, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Rồi “mở cửa”, rồi “đổi mới” v.v… Cũng may cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam đã được phanh cứng lại, trên bờ vực thẳm. Giá như tất cả những khẩu hiệu trên được thực thi ngay năm 1975, thì đất nước ta có thể sẽ không như ngày hôm nay. Nghe đâu năm đó, tại hội nghị Bộ Chính Trị mở rộng ở Đà Lạt, khi có người đề nghị những kế sách đó, thi người lãnh đạo cao nhất đã lớn tiếng phê phán: ‘Những quan điểm đó không thể có ở hội nghị này” và “ Ai có khuynh hướng đó xin mời bước ra khỏi hội nghị”.

Ai đã đẩy dân ta đến bước đường cùng không đáng có? Ai đã đẩy dân chúng đến chỗ phẫn uất phải thốt lên: “… Cái cột đèn nếu nó biết đi thì nó cũng đã ra đi rồi!...”

Cho đó là luận điệu của kẻ thù địch đã xúi dục dân chúng bất mãn, là phát ngôn của phần tử phản động, cũng không sai. Đúng là do phản động xúi dục, phản động gây nên, cái thứ phản động thụ động do kiêu hãnh và dốt nát mà thành ra phản động.

Hai cái tệ kiêu hãnh và dốt nát còn đeo đẳng ở tầng lớp người luôn cho mình là duy nhất đúng, cái gì mình cũng tài giỏi, không chịu nghe ai, cái gì cũng phải qua tay mình, phải do mình chỉ đạo, mình đào tạo. Trong thực tế chẳng có ai, chẳng có tổ chức nào đạt được chuẩn này. Do sự tiến hóa của xã hội đòi hỏi, nó sẽ có quy luật đào thải khắt khe của nó. Không có thế lực ngoan cố nào đảo ngược được tình thế. Cờ vẫn trong tay đấy, nhưng sẽ có lúc vì không còn đủ sức dâng cao, nó tự tuột khỏi tay (chứ chẳng ai cướp). Khi đó một lớp người khác sẽ tiếp lấy ngọn cờ. Đó là quy luật khách quan không thể tranh cãi.

Bài này tui đi chôm à nha!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét