Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Nói thẳng khó nghe

 chia sẻ với các bạn bài viết khá hay và cứng rắn- trung ngôn nghịch nhĩ!

 

Trung ngôn, nghịch nhĩ. Nói thẳng khó nghe, biết thế, nhưng ông Tổng Bí Thư vẫn phải nói thẳng trước cử tọa.

Cả tuần nay hết nghe "Hội nghị Trung Ương 4" lại đến "Hội nghị toàn quốc bàn về thực hiện Nghị quyết Trung Ương 4", thật là sôi nổi và ồn ào. Nghe, cũng đã thấy quyết tâm và quyết liệt, nhưng hình như thuốc cũng khó kiến hiệu vì tuy đã tìm ra bệnh, nhưng không giám dùng những vị công phạt mạnh. Đau gan mà đi xoa thuốc ngoài da thì cũng phí thuốc.

Vũ khí Phê và Tự phê, ngày xưa đúng là trị được bệnh và cứu được người, nhưng ngày nay đối tượng đã khác rồi, còn đâu những người một lòng với sự nghiệp giải phóng dân tộc, sẵn sàng xóa bỏ mình để Đảng tồn tại. Đảng ta bây giờ cũng như "Cao Biền dậy non" đào tạo nên một lớp "Âm binh" mới, đa số chỉ tôn thờ chủ nghĩa Vị lợi, ngoài tiền và quyền ra, không có gì tồn tại trong con mắt, trong suy nghĩ của lớp người này.

 

Mục tiêu của Đảng là đấu tranh xóa bỏ bất công, xóa bỏ giai cấp thì thử nhìn lại xem Đảng đã làm được gì? Bất công cũ xóa được thì lại nảy ra bất công mới sâu sắc hơn nhiều. Giai cấp bóc lột cũ tàn lụi với chế độ thực dân phong kiến, nhưng giai cấp bóc lột mới nẩy mầm ngay trong môi trường Xã Hội Chủ Nghĩa, được chế độ tiếp tay, cấp phép, tạo nên mâu thuẫn giữa giàu nghèo còn gay gắt hơn nhiều lần so với hồi người dân chưa được Đảng giải phóng.

 

Mâu thuẫn giữa quyền lợi sẽ nảy sinh sự mất dân chủ sâu sắc từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Đảng ra sức be chắn che đậy, từ sửa đổi hiến pháp, đến sửa từng điều luật. Tạo nên những công cụ sống bảo vệ hết sức hữu hiệu cho Đảng là lực lượng an ninh, công an hùng hậu, không khác Zesstapo bảo vệ Đảng Quốc Xã (Đức) ngày trước.

Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng được coi là lực lượng vũ trang của Đảng, nhưng đến khi nội bộ Đảng chia phe chia cánh, vì Quân đội thuộc phe ông Giáp (?), nên ông Duẩn, ông Thọ phải mau chóng vỗ cho công an đủ lông đủ cánh để làm đối trọng. Chung quy chỉ tốn tiền dân đóng góp. Tướng tá trong lực lượng công an được đôn lên như diều gặp gió. Tự huyễn hoặc mình, tự sướng thế thôi, chứ thứ quân ấy, lực lượng ấy chỉ giỏi xung phong vào đối tượng là dân với hai tay không, chứ với kẻ thù thì chưa chắc. Nhưng dù sao cách nuôi dưỡng ấy cũng đã làm cho công an trở thành "Kiêu binh". Bất cứ người dân nào mà dây vào Công an cũng dễ trở thành vật tế thần. Lấy ví dụ như vụ Blogger Điếu Cầy chẳng hạn.

 

Đầu tiên chỉ vì mâu thuẫn dân sinh giữa hai hộ trong khu tập thể. Điếu Cầy khởi kiện, đối tượng kia là cán bộ của phường nên được Công an bênh vực. Điếu Cầy uất ức nên khởi kiện luôn cả Công an phường (cái dại của Điếu Cầy bắt đầu từ đây) thế là anh ta trở thành đối tượng của Công an. Sẵn bị theo rõi, thêm vào việc biểu tình chống bành trướng Tàu, nên Điếu Cày đã bị chặn đường bắt cóc trên đường. Điếu Cày kể lại, ngay sau khi về đến trụ sở Công an, Điếu Cày đã bị một công an mặc thường phục đánh đập và mắng chửi: "Bố mày sẽ cho mày biết bố mày là ai…!"  Điếu Cày than phiền anh Công an này chỉ trạc tuổi con của Điếu Cày. Thật là những tên "côn đồ có quân hàm". Sau khi được thả về, Điếu Cày đi Đà Lạt chơi, chỉ đợi có vậy công an phục bắt Điếu Cày với tội danh "trốn thuế". Hồ sơ được dựng lên hết sức ngây ngô, nhưng Điếu Cày vẫn phải đi tù. Từ 2007 tới giờ hạn tù đã hết từ lâu, nhưng Điếu Cày vẫn bặt vô âm tín. Tin tức về Điếu Cày chỉ có hỏi Công An và cũng tùy cái sự Công an có thích trả lời hay không nữa thôi. Nói đến đây thử hỏi mọi người có phải công an hành xử vượt trên luật pháp và tại sao công an làm được như vậy? Chính vì công an được Đảng cho phép (?)

 

Ngay khi Điếu Cày bị bắt, tôi đã tiên đoán về tương lai mịt mù của anh và post lên Blog tấm ảnh truy điệu anh, cũng coi như anh là người đã chết rồi. Đó là tiên đoán và sự tiên đoán ấy bây giờ khéo đã trở thành sự thật.

 

 

Được công an bênh vực thì chết rồi cũng sống lại, còn nếu bị công an trù dập thì sống đấy mà cũng như chết rồi. Những dẫn chứng sống thì đầy rẫy kể không xiết. Đủ những phương pháp hại người vừa ti tiện, vừa bẩn thỉu, miễn là thực hiện được ý đồ bắt và giam người.

 

Đảng ta có những bài học sinh động của Liên Xô, Trung Quốc dạy dỗ, cộng với mấy chục năm kinh nghiệm, nên việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được xây theo kiểu xây tháp. Ngay từ những viên gạch đầu tiên là những lực lượng phải chọn lọc kỹ càng, là những cơ cấu không thể khiếm khuyết. Đảng phải bảo vệ đến cùng, nếu không thì đổ tháp, thì chế độ đi đời và dĩ nhiên là Đảng cũng không thể tồn tại. Nói vậy để thấy những cơ cấu dù nhỏ nhất của Đảng cũng bất khả xâm phạm. Đó là điều bất di bất dịch, là "điều 4 Hiến Pháp".

 

Năm 1945 khi chính quyền vừa về tay ta thì xảy ra mấy vụ va chạm với quân Tàu. Mấy ông tự vệ đánh úp những toán quân Tàu Tưởng đi lẻ, giết người cướp súng. Tàu làm to chuyện, bắt ta phải xử, phải đền mạng. Hồi đó nghe đồn, ta đã giải mấy phạm nhân ra quãng đê Chèm, xử bắn để lấy lòng Tàu, các khẩu súng bắn người đều được đeo băng tang để tang người chịu chết oan cho chế độ tồn tại. Bao lâu sau vẫn thấy cảm phục cách mạng, biết hy sinh cái nhỏ để dành thắng lớn. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tại sao không thể lôi mấy ông Việt Quốc, Việt Cách ra "đòm", một công đôi việc, và cũng chứng tỏ sự khôn ngoan tháo vát của cách mạng.

Sau này ông Hồ cũng đã lôi ông Đại tá Trần Dụ Châu ra xử bắn (sự bất chẳng đừng). Trong chiến dịch Thượng Lào (1952-1953) Ông Chính ủy Lê Chưởng cũng đã từng mở tòa án binh xử tử một tiểu đội trưởng vì can tội "ngủ" với một phụ nữ Lào. Việc làm đã reo sự cảm phục cho nhân dân Lào vùng Xiêng Khoảng mới giải phóng.

Đó là những chuyện ngày xưa, những chuyện đã lỗi thời, chứ bây giờ những cán bộ từ thôn xã trở lên đã là cơ cấu của cái tháp thì dễ gì đã moi ra mà xử được? Công an là lực lượng trung kiên thì Đảng phải bảo vệ đến từng sợi lông chân… Đừng mơ hồ mà mong có sự công bằng ở đây được.

 

Biết rõ "đường đi nước bước", biết rõ cái bộ mặt thật của sự dân chủ trong Đảng, nên chẳng ai dại gì mà phát biểu ra các điều trái ngược ở "giữa vòng vây". Cái điều mà ông Phú Trọng nêu lên ở cuộc họp Trung Ương 4:

- Tại sao có những người trước khi nghỉ hưu thì nói khác, đến khi nghỉ hưu rồi thì lại nói ngược lại…?

Tại sao ư? Tại dân chủ không thật sự! hay là không có dân chủ. Câu hỏi làm nhớ lại một chuyện đã xảy ra ở Hội nghị Trung Ương lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Liên Xô, khi Khơ-rút-Xốp đang lên án Staline thì có người chuyển đến tay Khơ một mẩu giấy với nội dung: "Khi đó đồng chí cũng ở trong ban chấp hành Trung Ương, sao đồng chí để bây giờ mới nói?"

Đọc xong câu hỏi cho mọi người nghe. Khơ lên tiếng hỏi, đồng chí nào viết mảnh giấy này? Hỏi tới 3 lần, không ai nhận. Khơ mới cười mà nói rằng: "Trong không khí dân chủ hiện nay mà người nêu câu hỏi này còn dấu mặt thì ắt biết tại sao trước kia không dám công khai phê bình!"

Câu nói làm cả hôi trường cười òa…

Nó là thế đấy, ông Phú Trọng ạ!

 

Nói đến cơ cấu từ thấp lên cao của Đảng, thì phải thừa nhận những viên gạch từ cấp xã lên đến cấp Trung Ương, đã được Đảng nhào nặn theo phương pháp hiệp thương một cách tinh vi. Những người ngồi trong tòa tháp náy không chỉ có "tiếng" mà "miếng" cũng được "bảo hiểm chính trị" đến nơi đến chốn. Sự gắn bó quyền lợi ấy đã làm cho Đảng thành một khối vững chắc, đối với sự công phá từ bên ngoài, nhưng với những biến chất mang tính tư bản từ bên trong (do mâu thuẫn quyền lợi) thì cái gọi là sự bền vững sẽ mủn ra từng mảng. Cái mà gọi là lợi ích nhóm thực chất là tham nhũng và bao che yểm trở lẫn nhau cùng tham nhũng, bảo vệ nhau đến cùng để đồng bọn không bị móc những của đã tham nhũng ra khỏi miệng. Khi lực lượng trong Đảng có 2 phần mạnh bằng nhau thì Đảng sẽ bị chia hai, 3 phần bằng nhau thì Đảng sẽ tự chia ba. Đó là "gót chân A Sin" của Đảng mà Đảng không thể nào công khai được. Dân cũng biết thế và cũng chỉ đòi Đảng công khai có chừng nấy mà thôi.

Tóm lại cái mà dân yêu cầu khẩn thiết đối với Đảng là công khai và công bằng, có được hai thứ này thì dân chủ sẽ có. Ngược lại thì dân chủ chỉ là giả hiệu.

 

Nói đến giàu nghèo trong xã hội thì rõ ràng người nghèo chỉ có thể là người dân, và người giàu thì không ai khác, hầu hết chỉ có thể là cán bộ (nhất thể với đảng viên). Cán bộ càng cao thì điều kiện kiếm chác càng lớn và được luật pháp bao che càng chặt chẽ.

Đất đai là "sở hữu toàn dân" xem ra dân ở đây là toàn dân cấp cao, dân có tiền và dân có quyền, chứ dân đen thì sở hữu cứ dần tuột khỏi tay. Ruộng đất do cải cách đem lại, dần dần lại nộp vào tay những ông chủ mới. Nông dân mà không có ruộng thì trước sau gì vẫn chỉ là Tá Điền, không hơn không kém. Thời xưa thì nộp tô cho Địa chủ, còn bây giờ thì nộp cho một cái gì đó, tuy không phải là địa chủ, nhưng ác liệt và tinh vi hơn địa chủ rất nhiều về tính cách bóc lột.

Chao ôi cách mạng!

 

Bài học chuyên chính mà ta học ở những ông Mao, ông Xít đã mang tính giáo điều từ trong trứng. Quan hệ giữa người bóc lột và người bị bóc lột ở Nga (Liên xô) trước kia là quan hệ giữa nông nô với Cu Lắc, với Lãnh chúa, với Đại điền chủ. Còn ở Trung Quốc thì cũng một bên là nông dân bần cố với Địa chủ quan liêu quân phiệt, đối đầu với áp bức bóc lột là đối đầu với súng đạn.

Ở Việt Nam ta, để phát động được quần chúng, các "ông thầy Tàu" đã dạy ta chia thành phần như chia ruộng đất. Các cuộc đấu tố có đúng có điêu lẫn lộn, nhưng có một điều chắc chắn là đã làm đảo lộn các ý thức đạo đức xã hội cố hữu. Không còn họ hàng, làng nước, tôn ti gia tộc,. Chỉ còn duy nhất có cách mạng mà đại diện cho cách mạng là các đội cải cách với các tòa án nhân dân mà từ ông thẩm phán đến bà chánh án đều không biết, thậm chí không cần luật vẫn xử được mức án cao nhất là Tử Hình. Cái bóng dáng của Công lý ấy, vẫn được Đảng ta áp dụng cho đến bây giờ, chỗ này chỗ nọ, lúc này lúc khác. Dựa vào thứ pháp luật mà Đảng chỉ đạo.

Việc đem bà Nguyễn Thị Năm ra bắn cũng lá một động tác rung cây dọa khỉ, xua đám "dịa chủ kháng chiến" vứt ruộng lại, còn chạy đi đâu thì cũng không cần biết, không quan hệ gì, miễn là có ruộng đất để hoàn tất vở tuồng "Người cầy có ruộng". Xin nhớ rằng, vở tuồng cũng chỉ diễn có ngần ấy thời gian, còn bây giờ lại cải biên như cũ.

Trên nửa đất phía nam, ông Ngô Đình Diệm cũng thực thi "Trao đất cho người cầy" nhưng có một chi tiết khác là ông Diệm bỏ công quỹ ra mua lại đất của điền chủ cho nông dân. Ấy cũng chỉ vì ông Diệm không thể giết địa chủ như miền Bắc được, còn tiền công quỹ thì vẫn là tiền dân. Một việc làm, hai cách nghĩ.

 

Cải cách ruộng đất ở Miền Bắc như Diều gặp gió, cho đến khi cái đám "đội âm binh" quá trớn sờ đến gáy cả các lãnh đạo trung ương, ai cũng có thể trong phút chốc thành "bí thư Quốc Dân Đảng", có cơ phá nát cả hệ quả cách mạng thì anh Trường Chinh mới bị phê bình, anh Hồ Viết Thắng mới bị "kỷ luật" và ông Hồ Chí Minh phải sụt sùi nhận sai. "Cải cách" lúc đó mới được phanh gấp và mới được sửa sai. Tuy thế cũng chỉ sửa lại những gì không có lợi cho Đảng, những cái gì chưa đi đứt hẳn, còn những trường hợp, đến giời cũng chịu thì đành ngậm ngùi bó tay và tự an ủi rằng: "Chẳng mất gì? Chỉ mất xiềng xích!..."

 

Không chỉ thế thôi đâu? Còn mất cái này mới là quan trọng: "mất lòng tin".

Dân theo đảng trước tiên là muốn sống cuộc đới không còn bất công, muốn cuộc sống dân chủ, không có kẻ cưỡi trên đầu trên cổ bóc lột mình. Sự chênh lệch giữa giàu nghèo có thể vẫn còn nhưng phải hợp lý và công khai minh bạch. Dân không thể có cảm giác là mình bị lừa, và người lừa mình lại là "lãnh đạo" của mình, tất cả chỉ vì "lợi ích nhóm".

Đảng không đem lại cuộc sống như thế cho dân thì dân không thể tin tưởng ở Đảng, mà không tin tưởng thì có thể không ủng hộ, thậm chí đòi hỏi thay đổi. Đừng tự biến mình thành một thế lực bất khả xâm phạm, đừng tự ghép mình với Tổ Quốc để vu cho dân chống Đảng là chống Tổ Quốc. Chống Đảng với 4 triệu đảng viên, khác xa dân tộc với 90 triệu người, đừng ghép người dân không tán thành đảng là chống lại dân tộc. Như thế chẳng khác gì tố điêu trong cải cách ruộng đất. Bắt ép toàn dân tộc chỉ tôn sùng duy nhất có Đảng Cộng sản đã là một điều phi lý, phi dân chủ.

Cụ thể ở đây dân phải thấy được Đảng đứng về phía mình thông qua hoạt động của tòa án các cấp, của lực lượng công an các cấp. Nếu đã miễn tố được bà Trần Ngọc Sương thì cũng có thể khởi tố những kẻ làm sai ở Huyện Cờ Đỏ ở Thành Phố Cần Thơ, Đoàn Văn Vươn đúng thì phải khởi tố Huyện ủy, Chính quyền Tiên Lãng… Nếu đảng làm được như thế thì dân tin Đảng ngay. Đảng cũng như công an không được áp dụng những miễn trừ tư pháp. Pháp luật phải công bằng và công khai. Công an không thể muốn bắt ai thì bắt, tòa án không thể muốn xử thế nào cũng được.

Làm như thế là cực khó, vì đụng chạm đến cơ cấu đến tồn vong của đảng, nhưng vì nan y nên phải gấp rút và kiên quyết mổ xẻ, nếu đảng còn muốn tồn tại trong lòng tin yêu của nhân dân.

 

Dân tin yêu đảng thì đảng cũng nên tôn trọng nhân dân. Không phải đảng viên nào cũng là người tài, nếu thế thì cái đám thi hộ sẽ thi hộ ai? cái số bằng giả sẽ cấp cho ai? Sự việc vỡ lở ra thì chỉ những kẻ tòng phạm đi tù thay cho những thủ phạm chính là đảng viên. Làm trong sạch Đảng  đồng nghĩa với bộ máy nhà nước của ta sẽ bớt đi những bộ mặt dầy "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" Những con rầy đỏ, bụng phệ, cắn nát ruộng lúa của toàn xã hội Việt Nam. Thành tích thì cứ dầy lên theo số năm tuổi Đảng.

 

Tham nhũng đã thành quốc nạn, quốc loạn. Nói thế chắc làm ngứa tai nhiều đồng chí đảng viên, nhất là ông Tổng bí thư, người đứng mũi chịu sào. Căn bệnh này đã hình sự hóa, không thể chỉ dùng thuốc "Phê và tự phê" được đâu. Tham nhũng đã trở thành đại dịch. Muốn dập dịch hữu hiệu không thể chỉ xử lý từng cá thể, mà phải khoanh vùng mà dập từng bầy. Đó là điều khó nghe, nhưng cũng phải nghe, là điều khó làm cũng phải cương quyết mà làm cho được.

 

Phác đồ điều trị đầu tiên là cấm mọi người, kể cả đảng viên lẫn người ngoài Đảng không được "ăn tiền", dưới bất kỳ hình thức nào, hoàn cảnh nào? Phải cấm ngay, rồi mới tính đến việc làm trong sạch Đảng.

Muốn con bệnh không lờn thuốc thì phải trị đến cùng, xin đừng đánh trống bỏ dùi. Ông Tổng Bí thư ơi, xin ông hãy mở lại những "tòa án nhân dân" như hồi cải cách ruộng đất và nếu Đảng có sót thì cứ cho "treo băng tang" vào nòng súng mà xử tham nhũng đi, (tuy bọn tham quan ô lại này có chết cũng không oan uổng gì?).

 

Sống ở đời, đây là một việc làm bất đắc dĩ. Nhưng bất kỳ cô gái giang hồ nào về già cũng vẫn phải cố trau chuốt nhan sắc tàn tạ, để vớt vát lại những gì một thời đã có, tuy trong thâm tâm cũng biết là vô vọng.                                                   

 

                                                     Linhgia


                                                                                  

3 nhận xét:

  1. hê hê ...mãi mia ...đúng y sì .

    Trả lờiXóa
  2. thiệt là phân tích quá kỹ..................cái này mà đi dạy tư tững HCCM,hay Lý tưởng đẻn.............thì trời ơi..sinh viên học sinh banh tai mở mắt mà nghe..hết hãi não nhiều thập niên qua..

    Trả lờiXóa