Con dở hơi
Nó yêu chó từ khi nó được vài ba tuổi, không những chó mà cả các loài vật nào nó nuôi. Từ con gà, con ngỗng, bồ câu, con heo mọi... nó đều coi như là bạn thân của nó, chả ai dám động vào thú nuôi của nó, nó sẵn sàng chửi bậy nếu như ai đánh đập, hay làm thịt thú nó nuôi. Đấy là hồi nó còn nhỏ.
Nó đi lấy chồng nó bị mất dần thú nuôi của nó, nó khổ sở, khóc lóc, và rút mình vào cái vỏ. Nó rất thích làm bạn với các loài thú vật, sở thích xem phim của nó là xem phim về thú vật. Mỗi lần xem phim nó xúc động khóc cười cùng con vật trong phim- rõ một con dở hơi!
Cuộc sống đẩy đưa nó lang thang thuê nhà hết chỗ này sang chỗ khác cũng vì cái tật mê nuôi chó, chó nuôi bị mất, nó sẵn sàng bỏ hết việc để đi tìm, nó khóc lóc vài tuần mỗi khi mất chó hoặc chó bị bệnh chết. Cái sự dở hơi này di truyền sang con gái nó, con bé thấy mèo chó bị bỏ rơi hay ốm đau bị vứt là con bé tha về cho nó nuôi. Nó đón nhận tất, bỏ ngủ, nghỉ để chăm sóc bầy chó mèo. Nó có Nhà , thế là trở thành cái trại chó mèo. Tất bật sáng sớm, trưa nắng, tối khuya chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh, nó chả kêu rên gì cả! Rõ một con dở hơi ôm việc vào mình.
Nó nuôi một bầy gà tam hoàng năm mái một trống và một con gà ri, gà ri ấp, gà tam hoàng đẻ, sau hơn năm nó có bầy gà hơn 40 con, úc núc, lặc lè.Dứt khoát nuôi thôi không ăn thịt. Nhưng trứng gà đẻ thì nó ăn. Ngày cũng hơn 20 trứng gà đẻ. Bạn bè nó ghé nhà đòi ăn thịt gà, nó bảo chờ tí, nó phóng ra chợ mua gà về đãi, dứt khoát không làm thịt gà nhà. Bạn nó bảo đúng là cái đồ dở hơi!
Hôm ấy thằng tài xế của con em nó phóng xe cán chết một con gà, nó chạy ra ôm con gà vào lòng, khóc nức nở, mà nào nó trẻ trung gì- cũng U40 rồi.Nó bắt con bé giúp việc đào mộ chôn con gà. Chôn xong nó đi làm, ở nhà mấy đứa nhỏ lôi lên làm thịt ăn, con gà hơn 4 kg chúng nó lấy ra một bát mỡ đầy. Chúng nó để phần cho con dở hơi. Nó về vừa cho vào miệng, nó nghi ngờ chạy ra chỗ mộ con gà thấy khác hồi sáng, nó truy hỏi bọn nhỏ, bọn nhỏ khai thiệt, thế là nó lao ra sân ngồi nôn thốc nôn tháo, vừa nôn vừa khóc- bọn nhỏ xanh mặt- chắc tụi nó nghĩ cái đồ dở hơi thật!
Nó nuôi hai con bồ câu một trống một mái, chúng nó đẻ và rủ bạn về đông đúc, có một năm sau nó phải làm năm cái chuồng cho bố câu về ngủ, đẻ, tổng cộng nó có hơn trăm con, bồ câu ra ràng rơi xuống bị mèo vồ ăn mất, nó cho mèo vào bao treo lên phạt mấy tiếng. Lũ mèo vẫn chứng nào tật nấy, nhưng lũ bồ câu đẻ nhanh quá, nên nó hết phạt mèo, mà bồ câu của nó sinh sôi gần hai trăm con. Nó tự nhủ thôi thì quy luật tự nhiên, mạnh được yếu thua. Rõ là dở hơi như con dơi.
Bầy ngỗng ban đầu nó có ba con, hai mái một đực, sau vài tháng nó có bảy con ngỗng, tụi ngỗng đẻ ấp, nở ra đem con về trình diện nó, nó sung sướng ôm từng chú ngỗng con mà nựng mà hôn hít. Nó sướng như bắt được vàng.
Bầy chó của nó thì khỏi nói, mười con chẵn chòi. Mập mạp, lí lắc, đùa ầm ầm, con chó Gấu mà mừng nó thì nó ngã chổng kềnh giữa sân với con Gấu. Nó nằm dài kéo đầu mấy con chó mà vò , cấu, cắn lỗ tai tụi chó, ấy thế mà lũ nhỏ không bao giờ chống đối nó, lũ nhỏ cảm nhận thấy rõ tình yêu của nó. Người ngoài nhìn vào bảo rõ cái con dở hơi.
Một đêm nghe lũ chó sủa, hét, hú, nó vùng dậy ra sân, thấy năm con chó trúng bả độc nằm giãy chết, bọt mép sùi ra, nó ôm nó lắc, nó đổ nước chanh cho từng con một, nhưng lũ chó vẫn chết. Nó phóng đi khắp sân sau sân trước tìm bầy chó thì tất cả đều trúng bả độc chết hết, kể cả con chó mẹ đang nuôi bầy con mới đẻ vài ngày. Và năm con mèo cũng chết la liệt. Nó không khóc, nó cầm cây côn, lao ra khỏi nhà đi vòng quanh hàng rào, nó nghĩ tụi đánh bả chó còn quanh quẩn đâu đây. Nó chỉ nghĩ gặp là nó phang tụi trộm chết thôi. Nó đi lòng vòng hai tiếng đồng hồ, không tìm ra bất cứ manh mối nào. Nó về nhà bế từng con đặt thành hàng. Lúc ấy nó không khóc, nó hận, nó hận đến tột cùng, mắt nó đỏ ngầu. Nó im lặng ngồi ve vuốt từng con, nó gọi tên từng con và vuốt mắt cho lũ chó. Nó vẫn không khóc! Mấy đứa công nhân ra ôm vai nó, người nó lạnh ngắt, cứng như khúc gỗ. Nó đi đào hố cho từng con, rồi lấy vải quấn từng con và lấp đất lại. Một giọt nước mắt lăn trên má nó, quai hàm nó nghiến chặt.
Nó không nuôi chó mèo nữa, nó đau tưởng chừng suýt chết , nó nằm bệnh viện hơn hai tháng trời sau vụ đó.
Rồi cúm gia cầm , dịch Sars tới, xã nó tới bắt hết gà, ngỗng , bồ câu đi tiêu hủy. Nó câm lặng chỉ nhìn chết trân bầy thú của nó bị bắt hết. Nó thẫn thờ đi ra đi vào, nhà nó trống vắng quá. Nó vác dao ra chặt hết trụ chuồng bồ câu, chặt băm vụn chuồng gà, chuồng ngỗng. Trái tim nó như tan thành nước. Nó lại co ro trong phòng một mình sau giờ làm việc. Nó dở từng tấm hình lũ thú nuôi của nó ra xem, nước mắt nó nhỏ xuống hình lộp độp. Dở hơi thế chứ.
Nó lại ốm khật khừ, không bác sĩ nào tìm ra bệnh của nó. Nó bị dở hơi !
Mấy năm trống trải, nó không chịu nổi, nó lại nuôi chó, lần này nó rút kinh nghiệm, chỉ cho chó ăn một loại món ăn duy nhất từ khi còn nhỏ, để chó không bị đánh bả. Nó làm chuồng các loại cho chó to, chó vừa, chó nhỏ, mèo. Chó nhỏ xíu, chihuahua, nó nuôi trong nhà, nó cho ngủ chung với nó, mà từ một con, nó mua them con cái gầy giống, bây giờ nó có hết thảy 16 con. Nó tưng tiu nựng nịu bầy cún nhỏ của nó như cưng con cái vậy. Lũ cún sạch sẽ, chỉ có mùi thơm chứ không hề có mùi chó.Nó cưng nhất ba con đen, đi đâu nó cũng bế theo. Ấy vậy mà cái nhà hàng nó thường xuyên ăn sáng và dắt khách tới ăn mới gửi cho nó cái thư rằng không được đem thú cưng vào đó. Nó điên lên gọi điện chửi cha quản lý một tăng và tuyên bố rằng “tao cần thì tao đi xuống quận nhất mà ăn, chứ không bao giờ bước nửa bước vào nhà hàng chúng mày nữa. Chó tao còn hơn khối loại người mang mặt người mà dạ lang sói!”
Cái nhà hàng này là chính do nó gợi ý lập kế hoạch cho cha giám đốc cũ thành lập, từ khi cái chỗ đó chỉ là mỗi cái hồ bơi có lèo téo vài khách đến bơi uống nước. Bây giờ nhờ nó nhà hàng có tiếng tăm lắm khách thì trở giọng. Nó ỉa vào! Nó dở hơi thế đó. Muốn ăn ngon, nó nấu ăn ngon gấp vạn!
Nó yêu chó vì nó biết dù thế nào, lũ chó của nó không phản bội nó. Dù lũ chó mang hình hài chó, nhưng lũ cún ấy có trái tim của con người nhân hậu và trung thành. Nó tin chắc điều đó, niềm tin của cái đồ dở hơi!
Bạn có dở hơi thế không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét