Căn cứ ảnh 1: Tại mối nối giữa trụ đứng và bản mặt cầu, dầm cầu là nơi lực cắt lớn nhất và mô men uốn lớn nhất, nó hoàn toàn bị đứt gãy như bị nhát dao lia qua. Như vậy là mối nối này đang ở trạng thái chưa cho phép chịu lực mà bị bắt buộc chịu lực hoặc bị quá tải gấp mấy lần tải trọng tính toán.
Theo như thông tin trên báo thì phần này mới đổ bê tông được hai ba ngày nay, như vậy là toàn bộ phần này hoàn toàn chưa ở trạng thái chịu lực bằng bản thân mà phải chia tải bản thân của nó lên toàn bộ dàn giáo chống đỡ bên dưới.
Căn cứ ảnh 2 : Tấm bản cầu tại vị trí môment uốn tiệm cận bằng không - bị vặn xoắn theo trục (OZ) vỡ nát như vậy có thể nhìn thấy được sự vặn xoắn này xảy ra do quá trình chuyển vị của trục đỡ (cột) có xảy ra lực uốn dọc của trụ lớn hơn tính toán thiết kế.
Căn cứ ảnh 3: Sự phối hợp giữa dàn kết cấu thép và bê tông ở đây hoàn toàn không có tác dụng. Hiện tại tôi chưa có được bản vẽ thiết kế kỹ thuật cũng như bản vẽ thi công trong tay nên tôi cũng chỉ nhận xét chung trên ảnh mà ảnh thì không phải người trong nghề chụp nên tôi chưa thể nhìn thấy các dấu hiệu nứt, xé của kết cấu trước khi xảy ra sự cố, vì thế nhận xét của tôi có thể là chủ quan. Tôi chỉ dựa trên nguyên lý làm việc của kết cấu mà phân tích.
Xem trên ảnh thì tôi nhận thấy giàn giáo chống đỡ bản cầu và dầm không phải là loại đặc chủng dùng trong nghành cầu đường với tải trọng lớn. Tôi xin đưa ra một số quy chuẩn theo tiêu chuẩn xây dựng như sau:
- Trọng lượng riêng của bê tông cốt thép : 2.800 kg/ m3 - Trọng lượng riêng của thép : 7.850 kg/m3 - Bêtông cốt thép đổ tại chỗ chỉ chịu lực được sau khi đổ là 27 ngày, nếu có chất phụ gia thì thời gian rút ngắn còn 18- 20 ngày, với điều kiện bảo dưỡng tốt: tưới nước ngập mặt sàn ba lần trong ngày, liên tục suốt 27 ngày.
- Chỉ được phép tháo cốp pha sàn dầm sau khi đổ bê tông từ 15- 18 ngày nhưng vẫn phải gia cường chống đỡ cho đến khi bê tông đạt được tình trạng chịu lực bằng bản thân nó. (27 ngày).
- Khi chống đỡ mặt sàn, dầm với cao độ lớn hơn 10 m thì dàn giáo chống đỡ phải được tính toán kết cấu như đối với công trình chính: Gồm tải trọng tĩnh, tải trọng động do người di chuyển và thiết bị di chuyển trên bề mặt công trình. Như vậy thì phần giàn giáo chống đỡ cũng phải có điểm tựa móng, tránh tình trạng lún hay trượt đất gây ra sụp đổ bộ phận hay toàn phần. Chi phí này chiếm tỉ trọng trong công trình khoảng 15-20 % giá trị bê tông và thép.
Như vậy Cầu Cần thơ sập hai nhịp như thế này thì : -Việc đầu tiên phải xem xét có ai cho lệnh dỡ cốp pha sớm hay không? - Thứ hai phải xem lại bản tính toán kết cấu dàn chống đỡ có được tính đủ chưa? - Thứ ba xem lại phần thiết kế các mối nối.
- Thứ tư xem lại hồ sơ khoan địa chất để tìm ra có sai sót trong quá trình tính toán móng hay không, tính toán về chuyển vị, lún lệch có thể xảy ra hay không.
-Thứ năm tính toán lại toàn bộ tải trọng. Mặt cầu rộng 26 m dầm hộp có cao độ dầm 2.7m với độ dày thành hộp không dưới 30 cm. Gồm 4 hộp. Như vậy tải trọng bản thân của nó là: [(26 m x 2) + 8x 2.7m] x 0.35 m x 2.800 kg/m3 = 73.108 kg/m =73.11 tấn/m Nhịp dài 90 m, và 2 nhịp bị sập tổng cộng tải trọng của bê tông bị sập : 73.11 tấn x 90 m/ nhịp = 6.579,9 tấn x 2 = 13.159,8 tấn.
Trọng lượng này chưa tính đến phần sắt thép liên kết rời và dàn chống. Như vậy trọng lượng đếu phân bổ cho 1m2 sàn cầu là 5,624 tấn/m2, với chiều cao 30 m thì ít nhất phần cọc chống đỡ cho một m2 phải là 03 cọc thép ống D= 25 cm, độ dày ống 12 – 16 mm. Chưa tính tới giằng chống để ổn định toàn khung.
Tôi không biết có múa rìu qua mắt thợ mấy ông kỹ sư công trình này không, nhưng trên khái quát tính toán thì số liệu là phải như vậy.
Bạn Hồ Thị Lan Hương
Xin được đang lại bài cũ đã đăng trên blog tôi hai ngày sau khi sập cầu, bài này cũng được gửi đăng trên báo Tiền phong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét