Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Tuổi thơ địa ngục.....


        Hình này là mẹ đón về lại Hà nội sau mấy năm ở với bà nội (1973)

 
Tuổi thơ ở địa ngục
Tám tuổi đầu mẹ đưa tôi về Hải phòng cắt amidal ở bệnh viện Việt Tiệp, nơi ông nội tôi đang là giám đốc bệnh viện. Ông bà nội tôi ở một căn nhà có ba phòng trong khuôn viên bệnh viện, kế bên có mảnh vườn cỡ 50 m2 trồng cây bồ ngót, mấy cây ớt, hũ hoa và cây bông rằn vàng…cái chuồng gà có mấy con gà lộc ngộc sáng sớm ra là gáy inh ỏi.
Chơi vài ngày là tôi phải vào phòng mổ cắt amidal, sợ hãi kinh khủng khi thấy cái khay đựng dụng cụ sáng choang và ông bác sĩ to đùng mặt lạnh tanh bảo tôi há mồm ra, cái ông tiêm kim to như que đan dài ngoằng thọc vào họng tôi đau nhói, và sau đó tê cứng hết cả họng, mắt trợn tròn tôi á khẩu nhìn bác sĩ làm việc, cái ống có gắn sợi dây thòng lọng như dây đàn thọc vào họng tôi- nghe một cái phựt- ông ấy lôi ra cục thịt đỏ lòm. Một cái tiếp nữa xong- cái ống tiêm kim dài ngoằng lại chọc vào họng tôi một lần nữa và họ bảo tôi đi ra ngoài phòng ngoài nằm. Ra ngoài dáo dác tìm mẹ, thấy mẹ tôi thấp thoáng ngoài cửa tôi ngủ thiếp đi trong sợ hãi. Cô y tá lay tôi dậy bảo hả họng cho cô xem rồi cô đưa tôi cục nước đá ngậm vào, cái lạnh làm tan bớt cái đau rát ở cổ, tôi muốn gọi mẹ, nhưng tôi chỉ ú ớ không ra tiếng.
Một tuần liền tôi là một con câm, mẹ tôi chăm tôi từng tí một, đến ngày  thứ tám, ông nội tôi bảo “ Cháu nói AAAAA đi xem nào” tôi há mồm ra nhưng âm phát ra nhỏ xíu, ông nội bảo được rồi và bảo mẹ về Hà nội đi. Tôi muốn về theo mẹ, nhưng ông nội không cho, ông bảo “Mẹ cháu gửi cháu ở đây luôn với ông bà mà” tôi khóc không thành tiếng, mẹ xách ba lô đi rồi.
Bữa trưa ấy bà nội nấu cơm với cá chiên, tôi không làm sao mà nuốt được, một phần bị đau họng chưa lành, một phần mẹ cho ăn cháo nguội cả tuần quen rồi, tôi nhai trệu trạo cố nuốt vào thì bị ói ra, bà nội tôi quắc mắt lên: “mày mà không nuốt vào thì tao đánh cho vỡ mồm!” Tôi vừa nhớ mẹ vừa tủi thân vừa ăn vừa khóc, không may cá lại lắm xương, tôi bị hóc, ói lung tung. Bà nội đứng lên xông ra chỗ tôi ngồi vừa tát tôi bôm bốp vừa chửi: “ Con mẹ mày chiều mày cho lắm nên chừng này tuổi đầu mà ăn cá không biết gỡ xương” Bà đánh tôi đau thật, sau mỗi cú tát là đầu tôi bị đập xuống bàn ăn cái bộp, không biết mấy cái nữa, ông nội mới hét lên: “Nó chưa khỏi hẳn, bà muốn đánh nó chết à??” Bà nội mới dừng tay. Bữa cơm ở nhà ông bà nội- không có mẹ- đầu tiên đã diễn ra kinh hoàng như thế. Cho đến giờ tôi vẫn còn chưa quên buổi trưa đó- nghĩ đến là thấy uất nghẹn muốn trào nước mắt.
Bà nội kêu tôi đi ngủ trưa đúng một tiếng rồi dậy cho bà dạy dỗ. Tôi nằm trên giường cắn chặt cái mép gối mà khóc, không dám khóc có tiếng vì giường bà gần nay giường tôi, bà để cái roi tre ngay mép giường của bà.
Chuông đồng hồ reo lên, tôi bật dậy xếp gối lại ngay ngắn, và ra phòng khách. Bà nội ngồi đó mặt nghiêm nghị, bà chỉ cho tôi ngồi vào cái ghế gần bà. Bà bảo tôi: “Mày ở với mẹ mày vô kỷ luật quen rồi, bây giờ bà phải huấn luyện lại mày nghiêm khắc để thành con ngoan trò giỏi” Bà đưa cho tôi cái nội quy mà bà viết ra bắt tôi học thuộc, phải đọc to rõ ràng cho bà nghe, đọc cả mười mấy hai chục lần như thế, tôi phát ho rát cổ và văng ra cục máu tươi vì đã cố gắng quá sức. Ông nội thì đi làm rồi. Bà thấy thế bảo tôi vào uống ly nước lọc cho nó cầm máu. Sau đó bà cho tôi cái thời khoá biểu làm việc và học bảo tôi thuộc lòng- thời khoá biểu còn ghi rõ cả hình phạt nếu tôi vi phạm nội quy và thời khoa biểu.
Buổi huấn luyện đầu tiên xong thì cũng gần 5 giờ chiều, bà nội kêu tôi lấy xô nước giẻ lau đi lau bàn ghế tủ, bà đi nấu cơm, lát lát bà ra lấy ngón tay quẹt khe ghế, chân bàn và gọi tôi lại dúi mặt tôi vào mắng tôi làm ẩu và bắt tôi lau đi lau lại chỗ đó mười lần.
Đúng sáu giờ ông về, ông tắm rửa thay quần áo, ngồi vào bàn ăn cơm. Tôi ngồi bên tay phải của bà nội. Rút kinh nghiệm buổi trưa, tôi ăn cơm với nước mắm cho chắc ăn, đang ngồi nhai cơm, tôi chống khuỷu tay lên bàn, bốp một cái như trời giáng, văng cả bát cơm, định thần nhìn lại thì hoá ra bà nội đang tròn xoe mắt giận dữ dòm tôi, tôi ngơ ngác không biết sao bị đánh thì ông nội nói với tôi rằng “trong bàn ăn mà chống tay lên bàn như thế là thiếu giáo dục- không được làm thế nghe”. May quá, nhờ có ông nội mà tôi chỉ bị mỗi cái tát đến văng bát mà thôi!
Khệ nệ bê mâm bát đi rửa chỗ bếp tập thể xa cả trăm mét, tôi vừa đi vừa nghỉ đến hai bận, tôi thì bé con, chỗ rửa thì cao, loắng ngoắng thế nào tôi đánh vỡ một cái chén ăn cơm, ngồi nhặt mảnh chén bể, nhớ nội quy là bể một chén thì bị đánh ba roi vào mông. Tôi cố gắng không bể thêm cái nào nữa. Bưng mâm về tôi khai báo thành thật với bà nội là tôi làm vỡ một cái chén, bà bảo lên giường nằm úp xuống, tụt quần qua khỏi mông. Tôi nằm lên giường và chờ đợi. Ngọn roi đầu quất xuống như xé thịt, tôi á lên một tiếng, bà bảo bà đánh thêm một roi vì cái tội la khi bị đánh. Tôi cắn vào cánh tay kê ngay mặt thật chặt để khỏi la lên, xong xuôi, sờ mông bốn lằn nổi lên như con lươn và cẳng tay tôi tím bầm dấu răng tôi cắn. Nước mắt tôi ngập ngụa và tôi chỉ biết thổn thức khi xách thùng sen đi tưới cây ở vườn.
Ngày đầu tiên ở với ông bà trôi qua như thế. Mẹ đã về Hà nội mất rồi! Tôi đi ngủ với cái khăn quàng của con bé Phương (tôi lén mang theo vì nhớ mùi nó) nhét vào mồm cho không bật lên tiếng khóc nức nở.
(Còn tiếp…)

Tuổi thơ nơi địa ngục ( phần 2)
Một tuần trôi qua trong bao nhiêu bạt tai và ký đầu với hai trận đòn sưng mông, tôi bắt đầu khép mình vào gần như nội quy và thời khoá biểu bà đặt ra.
Tôi nhớ mẹ và nhớ em da diết, nhớ ông ngoại công kênh đi chơi ở nhà ông Hoài Thanh, nhà ông Đức …. Chưa biết tìm đến cái chết nhưng tôi tìm đến chú gà trống choai bà nuôi mà ôm nó vào lòng thủ thỉ nỗi nhớ nhà với nó mỗi khi đến giờ làm vườn. Chú gà còn trụi lông đít nhưng ra chiều hiểu biết, nó sà vào lòng tôi mổ thóc trên tay và quẩn quẩn chà cái lưng nó vào đùi tôi sau khi ăn no. Tôi đánh bạn với chú gà trống ấy.
Ở bên cạnh nhà bà có nhà bác sĩ Trác, hai ông bà có cô cháu gái tên là Tố Nga, tôi cũng mới chỉ biết thế, vì bà nội cấm không cho nói chuyện với hàng xóm. Nhưng mỗi lần tôi đi ngang qua, thấy Tố Nga ngồi ôm cổ bà nội nó nhõng nhẽo là tôi phải chạy vụt qua thật nhanh không thì tôi sẽ khóc vì ganh tị. Tố Nga cũng ngang tầm tuổi tôi, da trắng môi hồng, trong xinh đẹp đài các. Bạn ấy được yêu chiều lắm.
Đến đầu tháng chín trời hơi se se, tôi bắt đầu đi học, bà xin cho tôi học ở trường cấp I Nguyễn Văn Tố - hình như là đường Lê Chân hay Tô Hiệu gì đó. Từ nhà đến trường khoảng 20 phút đi bộ thật nhanh, nếu đi la cà là hết 35 phút. Bà nội thêm vào nội quy là đi học lúc 6 h 15 và về nhà lúc 11 h45, thời gian thức buổi sáng từ 5 giờ đổi thành 4 giờ. Lúc ấy tôi chỉ còn mỗi phương pháp là chạy -vì trống trường vào học lúc 6h30 và tan trường lúc 11h30.
Sáng dậy lúc 4 giờ, tôi phải đặt nước pha trà, nấu nồi cơm sáng cho ông bà nội, lau bàn ghế, lau quét nhà xong mới được đi học. Có hôm xong sớm muốn đi sớm thì bà không cho vì bà sợ tôi chơi rong ngoài đường. Cứ 6h15 là tôi cột chặt cái cặp vào người và nhét đôi dép nhựa vào cặp là bắt đầu chạy, chạy đến nơi trống trường vừa đánh, tôi vào xếp hàng vào lớp mà mồ hôi đổ nhễ nhại như đi cày. Mấy đứa bạn mới thấy lạ dòm tôi như con hủi lạc đâu vào, tôi thì hung hăng trừng mắt sẵn sàng đánh lộn. May quá mấy tuần đầu tôi chưa phải đánh nhau chỉ mới trừng mắt nhìn. Cô giáo kiểm tra bài từng đứa, cô khen tôi học giỏi viết chữ đẹp. Trống trường tan học là tôi vội vàng nai nịt chạy về cho kịp giờ. Về tới nhà thở hồng hộc, cất cặp sách vào bàn rồi đi dọn cơm ra cho ông bà ăn cơm trưa.
Đến tháng mười trời lạnh, bà nhuộm cho tôi cái vải mùng bằng mực xanh để tôi đội đầu, khăn choàng mẹ đưa bà bảo điệu, bà không cho choàng. Buổi trưa nào cũng chạy khiến tôi mệt rã người, thế là có một hôm tôi đi bộ từ từ về nhà, hôm ấy tôi về lúc 11h50, bà đã đứng trước cửa nhà chờ sẵn, bắt tôi nằm trên giường phạt năm roi vì cái tội về trễ, tôi cố gắng giải thích cho bà rằng tôi mệt nên đi chậm, nhưng bà không  nghe vẫn phạt tôi đủ  năm roi và ăn cơm nhạt buổi trưa ấy- cơm nhạt là cơm không- không thức ăn, không mắm muối- đói quá tôi vẫn phải ăn cho nó đầy cái bụng. vừa ăn vừa tức. Đến khi bê mâm đi rửa bát chén, tôi dằn mạnh cái mâm thế là chiều đó tôi được xơi thêm sáu roi vì cái tội dằn dỗi làm bể hai cái chén ăn cơm. Ăn cơm nhạt đối với tôi là một cực hình, vì tôi hay ăn mặn từ nhỏ, và chuyện này diễn ra liên tục suốt hai năm rưỡi ở với ông bà.
Tôi trở thành một con sen cao cấp, do còn được đi học chữ, nhưng mầm mống chống đối bắt đầu trỗi dậy trong tôi. Tôi trở nên lầm lì ít nói, bà tức lắm thế là đến gần cuối năm 70, bà lấy kéo cắt xoẹt mớ tóc dài mẹ nuôi cho tôi- bà cắt theo hình cái tô úp trên đầu- bà bảo cắt cho mày xấu để mày nên người!
Bà mua dép cao su ( giống như của bộ đội Trường sơn) bắt tôi đi, bà bảo như thế mới giản dị lại đi nhanh hơn. Quần áo mẹ tôi mang cho tôi bà cất hết, bà cắt quần đen cũ của bà, may cho tôi hai bộ đồ bà ba đen bảo tôi mặc đi học để không chảnh choẹ với các bạn, với cái áo trấn thủ của ông nội rộng thùng thình mặc trong cái áo bông cũ của bà sửa lại. Bà chỉ biết may áo quần bà ba vì bà là dân miền Nam- Rạch giá -đi tập kết theo ông nội. Và bà cũng thích đánh tôi để nghe tiếng roi vụt vào mông tôi chát chát. Mãi sau này khi về  Sài gòn tôi mới được ông cậu Bảy kể lại là bà  là con thứ ba của ông Hội đồng Khương, nổi tiếng ở vùng Rạch giá, ngày còn trẻ bà học ở Gia long áo tím, và bà hay về vào hè để đi thu tô với cái roi cá đuối trên tay để đánh nông dân thiếu tô nộp.
Tôi ăn mặc như một con sen thực thụ, và làm tất cả chuyện nhà thay cho bà, chỉ có khi nào bà nấu món mới thì tôi mới không phải làm mà chỉ đi theo học hỏi.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi phải chịu một hình phạt dã man nhất đó là vào khoảng tháng ba năm 71, vì tôi đi chợ làm rơi mất tiền, bà bảo tôi ăn cắp đi chơi, tôi không chịu, tôi chỉ nói với bà là tôi đánh rơi khi vào chợ An Dương , bà không tin và bà lột hết quần áo tôi ra bắt tôi quỳ ở ngoài sân trước bậc tam cấp. Trời đổ lạnh ghê người- tôi không một manh quần áo che thân- tôi quỳ ở sân run cầm cập vì lạnh. Bà đóng cửa cái rầm sau khi bảo tôi rằng bà chỉ tha cho tôi khi nào tôi thú nhận tôi ăn cắp tiền của bà! Trời về chiều đổ lạnh hơn, tôi cắn răng chịu đựng, dứt khoát không nói theo bà ép. Mấy tiếng sau, chú Dũng con ông Lê Đức Thọ đến chơi, chú nhìn thấy tôi tím tái hết cả người, chú ấy lấy áo bông của chú choàng qua cho tôi và bế tôi vào nhà bếp tập thể của bệnh viện để sưởi. Tôi thấy nước mắt chảy ra trên má chú, tôi ngả đầu vào vai chú khóc nức nở, vừa khóc tôi vừa nói chú nghe tôi đi chợ nhảy chân sáo làm rơi mất tiền và bà phạt cháu. Thấy tôi ấm lên rồi và ho khù khụ, chú bế tôi về nhà, chú trách bà sao làm như thế, lỡ nó sưng phổi thì làm sao nói với ông với mẹ tôi. Bà quắc mắt lên mắng chú bênh tôi là chỉ làm hư tôi thôi, thế rồi chú Dũng kéo bà vào phòng trong, hai người nói chuyện gì đó một lúc, sau đó bà ra và bảo “nể tình chú Dũng lần này tao tha” bà quăng cho tôi cái mớ quần áo bà lột của tôi bảo tôi mặc vào.
Đêm đó tôi sốt lên 39 độ, ông nội thì đi trực suốt đêm không về. Bà cho tôi một viên thuốc gì đó uống. Tôi nằm bẹp trên giường không thức dậy nổi vào tờ mờ sáng hôm sau…..
(Còn tiếp….3)



30 nhận xét:

  1. ...hèn gì đôi mắt chị buồn quá... thương pé Hương ghê!

    Trả lờiXóa
  2. đọc mà thương chị quá ... tuổi thơ kinh khủng ;-(

    Trả lờiXóa
  3. Su căm thù sự áp bức, dù đó là người thân trong gia đình

    Trả lờiXóa
  4. Lý do tại sao con người chị hay nổi loạn đó Xxuka và Su ơi!

    Trả lờiXóa
  5. Su thấy thương chị quá. kí ức tuổi thơ hằn rất sâu trong tâm thức ...
    nhưng trải qua nhiều gian khó, chị vẫn luôn giữ được tấm lòng nhân hậu, đáng quý lắm.

    Trả lờiXóa
  6. Bà nội chị chắc phải đoạt giải rất cao trong các cuộc thi phụ nữ XHCN 3,4 hay 5 tốt gì đó,phải không?

    Trả lờiXóa
  7. Bả là giáo viên cấp 2 mà dữ kinh hoàng...từ từ chị kể cho nghe...

    Trả lờiXóa
  8. Có lẻ thời gian sống thiếu tình thương này, đã hình thành một tính cách HLH sau này...Dữ cái mồm nhưng...nhát hít. :)

    Trả lờiXóa
  9. Bad memory,but I hope U can foreget itmy sister.

    Trả lờiXóa
  10. Cũng đã qua hết rồi pk má? nhớ lại để thương mình thêm đi thôi.

    Trả lờiXóa
  11. chắc là tính cách ác độc của bà nội do là tiểu thư con ông bự đi thu tô đánh nông dân, tới chừng ra bắc cực khổ quá mà không lên tiếng được, rồi trút sang cháu của mình. Thiệt tình, ruột thịt của mình mà làm gì ghê vậy trời ! Chớ, thường thì walk thấy phụ nữ nam bộ rất thương con cháu và dịu dàng nhận nhịn , bà nội này là ác nhơn hay sao á... Hay là cái nghiệp mà H phải trả ?

    Trả lờiXóa
  12. Hình như ai sống trong cái giáo dục nghiêm khắc và roi đòn ..lớn lên đều có máu du côn cả :| .

    Trả lờiXóa
  13. An nói vậy bộ bà Hổ ....sao ? hổng có đâu dzễ thương dzễ sợ đó

    Trả lờiXóa
  14. Bà ấy du côn lắm đấy ..phải là chơi dai phay liền đó :|

    Trả lờiXóa
  15. H nghĩ hoài không ra, tại sao mình lại bị thế!

    Trả lờiXóa
  16. Híc tui dễ thương với mọi ngừi bít phải trái...còn không du côn thấy bà!

    Trả lờiXóa
  17. Qua lâu rồi, nhưng vết thương đau mãi!

    Trả lờiXóa
  18. Tui mà nhát á? Hiền thui! ặc ặc! Đờn bà quờn tộc ngoan hiền đó cha nội!

    Trả lờiXóa
  19. Tuổi thơ dữ dội quá!
    Em cảm nhận một điều rằng, chị, mẹ chị, bà chị, hay tất cả những phụ nữ Việt từ xưa đến nay. Họ phải sống và cho đi hay mất mác nhiều hơn những gì họ có. Mỗi người một hoàn cảnh nên tính cách mỗi người một khác. Cho nên cái khổ, cái buồn nó truyền từ bà sang con, sang cháu, rồi sang cháu.
    Nó chỉ ngừng lại, hay tạm ngưng khi một ai đó không thể đau hơn được nữa để chợt nhận ra rằng mọi khổ đau phải tự mình gánh chịu và con cháu phải được sống tốt hơn...
    Em cảm thông với chị, và em cũng hiểu được đâu đó người bà của chị. Đã viết thế này là đã hiểu, đã ngộ, đã đối diện và đã đi qua nó để nó lại phía sau và bước tiếp.

    Trả lờiXóa
  20. Không bao giờ quên, đêm nằm lắm khi vẫn thấy ác mộng ngày đó!

    Trả lờiXóa
  21. tuổi thơ tôi thì ở cùng bà ngoại. Bà ngoại cưng chiều hết sức ... âu cũng là cái duyên phận chăng ... đến giờ tôi vẫn nhớ và thương bà ngoại lắm, tôi có bài nhớ ngoại đó ...

    Trả lờiXóa
  22. Đây là bài " về thăm ngoại", tôi làm để nhớ ngoại tôi đó ..
    Đã lâu rồi con không về thăm ngoại
    Bến quê xưa lạc dấu ở phương nào
    Chuyện áo cơm, tháng năm mờ che khuất
    Xa đến muôn trùng một giấc chiêm bao
    ....
    Nhà mình ở đó, sau rặng dừa cao
    Có tiếng còi tàu, chiều ngân rộn rã
    Chợ chiều còn đông, ai về ngang ngõ
    Con đã trở về thăm Ngoại, Ngoại ơi
    ....
    Con trở về nhỏ bé giữa vòng nôi
    Câu hát à ơi, con cò, con vạc
    Con nhện giăng tơ, quả na ngơ ngác
    Chim vịt kêu chiều Ngoại ngó xa xăm
    ....
    Con trở về với những tháng năm
    Đất nước chiến tranh, bố xa, mẹ vắng
    Thương cháu, vì con nên Ngoại phải gắng
    Con lớn phồng phao, ngoại cực thân già
    ....
    "Con chẳng làm vua ... vua bố ... vua bà …
    Để yên bố ngủ, đừng làm ồn đấy nhé …
    Bà làm thế nào cá kho ngon thế …"
    Ngày xửa ngày xưa, nhớ lắm Ngoại ơi.
    .....
    Đã lâu rồi con không về thăm Ngoại
    Một bến quê xưa, một thủa ấu thơ
    Một cánh cò bay lả trong câu hát
    Ru mãi đời con, đẫm những giấc mơ.

    Trả lờiXóa
  23. chiều chị có ở vp hem, su ghé thăm chị

    Trả lờiXóa
  24. chào chị Hương, cho em ngưỡng mộ chị nhé, em đọc blog của chị lâu rồi, mà không bao giờ comment cả, nhưng em thích chị lắm, em nhớ lúc em đọc hồi kí của chị khóc ướt cả hết bao giấy ấy,, tấm hình trên cho thấy chị không hề thay đổi cho dù nhiều năm trôi qua nhỉ, cả em gái chị nữa....... đừng bao giờ thay đổi nhé, cả bên trong lẫn bên ngoài.

    Trả lờiXóa
  25. Em nói ngưỡng mộ làm chị ngượng lắm, chỉ là câu chuyện đời chị đã trải qua mà thôi em, nó đau lòng và buồn lắm...

    Trả lờiXóa
  26. em xin lỗi không nói rõ ràng, em ngưỡng mộ văn phong của chị, ngưỡng mộ cách chị nhìn nhận vấn đề, cách nói thẳng, cách bức xúc trước cái sai, em thương và thông cảm với nỗi đau chị trải qua, nó như vết cắt sâu mà không bao giờ lành hẳn, để rồi khi một mình trăn trở lại đau nhức trở lại, Em không là chị, có thể em không thể đau hết những nỗi đau chị đã trải qua, em chỉ có thể thông cảm và thực sự muốn là một trong hàng trăm bạn bè cạnh chị, luôn ủng hộ chị thôi

    Trả lờiXóa