Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Mùa hè Vinh Phú (Entry for October 19, 2007 )


Vĩnh Phú tháng 6, 7 /1972
Đường lên Vĩnh Phú không còn dễ như đi Hà tây, đường hư hao, nhỏ tí chỉ vừa một cái xe cam nhông là hết đường, dốc nhiều, lầy lội và không trải nhựa như bây giờ. Chiếc xe chở mấy mẹ con mình gồng lên, khói mịt mù trộn lẫn bụi bay đỏ rực, chạy một chốc lại phải chui vào lề đường cho mọi người tản ra vì máy bay quần thảo. Con Phương em mình cứ lả ra vì mệt sau trận ốm, mình và mẹ thay nhau bế nó, nó chỉ bú được tí sữa mà mẹ đem theo cho, ăn gì cũng ói mửa xanh mặt.
Đi từ sáng sớm, mãi đến gần tối mới lên tới nơi. Xe đổ mọi người ở một cái nhà - giống như là Uỷ ban- ngay đầu đường quốc lộ, bên cạnh một cái đập cống nước chảy rất mạnh. Một người đàn ông có cái băng đỏ trên tay, mặc quần áo như bộ đội, choàng ngang lưng cái xà cột dắt mấy chục phụ nữ và trẻ nhỏ đi vào làng. Mẹ con mình cũng giống như bao nhiêu người khác tay xách, nách mang, lưng đeo ba lô, riêng mình thì cõng em và xách túi nồi niêu đi theo bác ấy.
Với cái sức của một con nhóc mười tuổi, cõng đứa em trên lưng, thêm một cái túi đựng nồi niêu, tớ như rã chân ra khi phải leo qua hai ngọn đồi để tới nơi cái nhà lá vách đất đứng hiên ngang trên ngọn đồi thứ ba. Nhà tranh ấy tối mịt, hai gia đình được phân ra ở đấy- mẹ con mình và gia đình chú Ninh cô Châu, bé Thảo con cô chú.
Mẹ lục cục moi trong túi xách cái đèn dầu con tí, lôi thùng dầu hôi quý giá - chừng vài ba lít mà mẹ để dành mang theo châm vào cái đèn. Ngọn lửa mỏng manh sáng lên, mình vỗ tay reo vui vì nhờ nó mình nhìn thấy được cái chõng tre để ngay phòng ngoài. Mẹ mình chia nhà: Cô chú Ninh ở phòng trong với bé Thảo, bên tay phải cái phòng ngoài là chỗ ngủ của ba mẹ con mình, sát vách đất phòng cô chú là cái phản con cho thằng Quang em cô Châu. Chia xong, tất cả mọi người móc ba lô dọn bữa cơm tối bằng mấy nắm cơm khô cong mà đêm trước mẹ nắm, gói muối vừng không đậu phộng mặn lè được đổ ra cái lá chuối, ai cũng ăn ngon lành vì đói bụng và vì được xóc trên xe. Xong bữa, chẳng ai rửa ráy gì, tất cả leo lên giường ngủ mê mệt.
Sáng hôm sau, mình thức dậy sớm nhất nhà vì con gà nó gáy ngay đầu chỗ mình nằm, trời mới hừng hừng sáng. Mò đi thám thính chỗ ở mới. Đi ra bên hông nhà là cái vườn ổi và mít, vặt vội mấy trái ăn lót dạ, chát xít, cứng ngắc. Vòng ra sau lưng nhà là cái vườn củ mì ( sắn) cao ngang đầu, có mấy con chó vàng chạy rông sủa ngúc ngắc, không có ai, mình tè bậy ngay giữa hai luống sắn. Mát thế không biết. Đi theo con đường trước cửa nhà, xuống gần chân đồi, cái giếng tròn sâu hút, dòng cái gàu xuống giật mãi mới kéo lên được chừng ca con nước, vì có biết múc gàu bao giờ đâu! Sợ lạc đường, mình vội chạy ngược về nhà. Mẹ vừa thức dậy đang gọi mình ơi ới. Mẹ bắt mình thay cái áo mầu nhạt bằng cái áo màu xanh mà mẹ đã nhuộm bằng mực hồng hà, mẹ bảo mặc thế để nguỵ trang.
Ngày đầu trôi qua ở Lập thạch bằng cách mẹ dẫn hai đứa mình đi chào bà con láng giềng, nhà bác Khẩn, nhà cụ Khẩn- bố mẹ của bác Khẩn, nhà bà Thản chỗ cô Phượng đồng nghiệp của mẹ đang ở nhờ, nhà bà Đãi có bầy gà tuyệt hảo…. Mình không còn nhớ rõ nữa.
Lần này, nồi cơm nhà mình không còn độn khoai lang nữa… mà độn sắn, mấy bữa đầu thì khoái chí vì được ăn sắn, sau thì nhìn thấy sắn là ngán phát khiếp. Mỗi tuần mẹ lại giã cạch cạch một lọ muối vừng, nhưng ở Lập thạch thì có lạc để trộn vào. Thỉnh thoảng lắm chúng tớ mới có dịp được ăn thịt lợn, vì hồi đó các loại thực phẩm phải mua bằng tem phiếu, kể cả mua mỡ đông lạnh của Trung quốc, nó nổi mốc xanh lè . Mỗi lần mua mỡ là tháng đó phải nhịn ăn thịt. Còn thịt gà thì phải đổi với mấy bác nông dân bằng suất mì độn của tiêu chuẩn phân phối lương thực.
Hồi đó nông dân bị cấm giết heo, giết trâu bò- heo, bò, trâu chỉ được nuôi và phải bán cho nhà nước, nhà nước thu mua toàn bộ. Gạo thu hoạch xong thì phải nộp nghĩa vụ gần hết, họ là nông dân nhưng họ còn ăn độn hơn cả bọn mình.
Mẹ thương tụi mình ăn không đủ chất, đủ lượng, mẹ đem mấy gói mì chính được phân phối khoảng 20 gr đổi lấy bầy gà mái cánh tiên đem về cho mình nuôi, cũng được bốn con. Mình nuôi hơn tháng sau thì con gà trắng đốm của mình đẻ trứng. Mấy trứng đầu, vừa đẻ ra là mình lấy đũa chọc thủng bắt con Phương húp sống cho nó khoẻ. Con bé lúc đầu sợ kinh, sau đó thì thích chí lắm, cứ nghe con gà cục tác là gọi chị ầm ĩ. Rồi bốn con đều đẻ cả, chị em mình và mẹ có trứng luộc, trứng chưng trong bữa cơm. Mình đi mót lúa, trộm ngô, đào giun chăm cho gà, tụi gà thương mình lắm bọn nó đi theo mình lũn cũn như mấy con chó con vậy.
Nhớ mấy tuần đầu, mẹ, cô chú Ninh, thằng Quang, mình phải làm hầm trú tránh bom, cái loại ấy gọi là hầm chữ A, ngay cạnh nhà. Đào một cái hố khoảng rộng 80 cm dài 2 m sâu ngang đầu mình, rồi đi chặt tre về lợp như cái kèo trên nóc hố, lấy đất đào ra trộn với rạ khô và nước đắp lên trên cái kèo dày lắm, sau đó đi lấy từng vạt cỏ phủ trùm lên nóc , đi xin rơm về bện thành con cúi quấn vòng vòng lại sau đó buộc vào nẹp tre che thành cái cửa hầm. Mỗi khi nghe tiếng máy bay ầm ì là cả nhà chui tọt vào căn hầm ấy ngồi tới khi nào hết nghe tiếng bom , tiếng máy bay mới chui lên. Cảm giác của chiến tranh ăn sâu vào ký ức của mình như thế đấy.
Và lúc ấy, trai tráng trong làng gần như là không có, trong làng chỉ toàn ông già bà lão, trẻ con, và lớn tuổi trung trung cỡ như mẹ mình. Hồi ấy thanh niên chưa kịp lớn là đã nhét chì vào giầy để đủ cân nặng để đi bộ đội. Mình nghe lỏm từ các câu chuyện của mẹ mình với láng giềng, cha mẹ họ bảo rằng “Nó đi bộ đội mới được ăn cơm no”, và mình cũng ước ao lớn lên đi bộ đội vì mình sẽ được ăn như họ.
(Còn tiếp Vĩnh phú mùa thu-đông ….)

6 nhận xét:

  1. đọc rồi mà đọc lại cũng còn cảm động :(

    Trả lờiXóa
  2. "Mấy trứng đầu, vừa đẻ ra là mình lấy đũa chọc thủng bắt con Phương húp sống cho nó khoẻ. ..." chị Phương thiệt hạnh phúc nhen.

    Trả lờiXóa
  3. Từ từ má sẽ post cho mấy đứa nhỏ đọc hết, đọc hết để hiểu má thêm, và mấy ảnh cũng sẽ hiểu vì sao má căm ghét mấy ảnh!

    Trả lờiXóa
  4. Ca nuoc hy-sinh de cho chung gom thau thien-ha va dang cho "Tau-khua"

    Trả lờiXóa
  5. Có lau sạch.... không ta? Sao dã man thế!!! :-)

    Trả lờiXóa