Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Hãy nghe mẹ tâm sự nghen con gái.

Con gái của mẹ
Có lẽ con cũng chả đọc tới cái blog của mẹ, cũng như lá thư này mẹ viết riêng cho con, nhưng mẹ vẫn cứ muốn viết, mẹ muốn con sẽ hiểu tại sao mẹ hay gay gắt  và ép buộc con phải thế này hay thế kia.
Mẹ sinh ra vào cái thời loạn lạc Nam – Bắc phân chia, chiến tranh và bom đạn, cuộc sống không biết được ngày mai sẽ ra sao, lằn ranh của sự sống và cái chết chỉ là hư ảo.
Bởi thời thế lúc ấy, mẹ được người lớn trong gia đình- dù đó là ai- cậu, dì, cô, chú, hay bà con xa lắc huấn luyện cho cách sống- kỹ năng để sống- và kỹ năng để sinh tồn nếu như xui rủi gia đình chỉ còn lại có một mình mình, mẹ vẫn phải biết sống, biết tự lập và vươn lên.
Từ khi cái cán cuốc còn cao hơn đầu mẹ, mẹ đã phải theo ông bà Tộ để tập cuốc đất đánh luống trồng khoai mì ( ngoài bắc lúc ấy gọi là sắn). Bài học đầu tiên dậy mẹ khi cầm cán cuốc phải thật chặt và luôn đứng xeo xéo qua một bên, chân trước chân sau thật vững, bởi bỡ ngỡ, mẹ trả giá cho bài học cuốc đất bằng hai móng chân cái của mẹ bật ra khỏi ngón chân, máu chảy đầm đìa, đau lắm con ạ. Nhưng mẹ nhớ đời bài học ấy và không bao giờ mẹ đào đất cuốc mương mà bị thương nữa. Một cái kỹ năng thật nhỏ nhoi phải không con?

Mẹ còn bé mà mẹ đã theo học được những đứa trẻ trên núi hái cây ăn trái của rừng mà không bị ngộ độc. Quả bứa , cây nó có lá dài gần như dứa vậy, trái rất thơm, chua chua, ngọt ngọt, ăn vào sẽ chống được cơn khát nếu lạc vào rừng- nhưng nếu ăn nhiều quá, con sẽ bị say như say rượu vậy đó…những đứa trẻ con vùng Lạng sơn chúng nó dậy mẹ như thế.
Năm ấy bà gửi mẹ đi nhà trẻ trên vùng xa, các cô giáo đã dạy được mẹ phải ăn để mà tồn tại, chứ không phải sống để mà thưởng thức bữa an - bằng những cái tát nảy lửa hoặc những ngón tay cứng như gọng kìm bóp họng, bóp mồm những đứa bé lười ăn…và mẹ sẵn sàng đánh nhau để không bị những đứa trẻ khác lớn hơn bắt nạt- và bảo bọc cái con bé ( hay nằm cạnh mẹ)nhỏ yếu ớt hơn kia khỏi những cái cào cấu, nắm tóc, tát tai của mấy đứa lớn hơn khi bị giành đồ chơi- dù đó cũng chỉ là vài ba cái đủa bỏ đi.
Dì con ra đời, mẹ được dạy thay tã, bế em, rửa đít, xi em ị, giặt tã , phơi tã…và sau đó là nấu cơm bằng bếp củi. Phải biết cơm sôi vừa cạn thì dập lửa, để than, muốn cháy nhẹ phải kê miếng thiếc gò phẳng từ cái lon sữa bò của dì con uống hết bỏ đi. Nồi cơm đầu tiên mẹ nấu, nó cháy đen cái đáy, cơm thì nhão, còn chỗ thì sống- mẹ được ai đó trong nhà thưởng cho hai cái bạt tai nảy đom đóm vì cái tội nghe chỉ dẫn mà không nghe cho hết- láu táu “biết rồi, biết rồi”. Chỉ vài tháng sau là mẹ nấu cơm thuần thục, biết luộc rau, nấu canh, tráng trứng. Còn biết khuấy bột cho em, bột sôi, nghiêng xoong mà bột róc cạnh nồi là bột chín. Rồi cõng em đi gửi trẻ, đón em về, và sẵn sàng chửi nhau với mấy cô bảo mẫu khi mẹ rình mà bắt gặp các cô ấy tát, đánh dì con, hay trói dì con vào bô, cho dù lúc ấy dì con chỉ mới vài tháng tuổi. Đã bao lần mẹ nhảy rào, leo cổng để bắt dì con về khi dì con khóc ngằn ngặt vì bị cô giáo đánh. Mẹ yêu dì của con biết bao nhiêu lúc ấy. Mẹ khóc khi thấy dì của con bị người ta đánh đau khóc thét lên. Mẹ cũng chỉ khoảng 9 tuổi hơn một tí. Mẹ hồi bé như thế đấy con ạ.
Bà cố của con thì dạy mẹ thành một người giúp việc hoàn hảo với phương châm “thương cho roi, cho vọt” cho nên mẹ ăn bao nhiêu bữa cơm ở nhà bà cố thì đòn roi cũng có lẽ bằng phân nửa số bưã cơm mẹ được ăn. Mẹ mạnh mẽ, hết sợ bóng đêm bởi những hình phạt thường dành cho những kẻ cứng đầu trong trại giáo dưỡng. Chỉ hơn ba năm, mẹ cứng rắn lên thấy rõ. Khi bom đạn dội xuống Hải phòng, mẹ vẫn lao ra giúp các cô chú bác sĩ cấp cứu nạn nhận bị thương- gãy tay, lòi ruột, dập nát..máu me be bét…mẹ chỉ biết băng bó, thắt ga-rô cầm máu, những điều mà ông cố con vẫn dạy cho mẹ hàng ngày. Lúc ấy thật khủng khiếp, có những người thở hắt và ra đi trên tay mẹ, khi mẹ đang cố băng bó cầm máu cho họ….tất cả bác sĩ, y tá đều quay cuồng cứu người, xe chạy chở người bị thương nhập viện kìn kìn sau những trận bom dồn dập. Bà cố thì chui dưới gầm phản gỗ. Mẹ chạy như con thoi từ hầm tới mọi nơi, nơi nào ông cố con tập trung cứu người. Chiều về nhà, cả người của mẹ bê bết máu người bị nạn. Cô chú trong bệnh viện ai cũng ôm mẹ mỗi khi mẹ làm xong việc gì mà các cô chú nhờ. Cho tới bây giờ- những người già già từng làm trong bệnh viện Việt – Tiệp họ chưa quên cô cháu nội của Bác sĩ Nghĩa giám đốc thời 70-72 . Đấy cũng chính là lý do tại sao mẹ hay tìm tòi đọc sách về y, về dược, bệnh lý bởi mẹ nghĩ, biết đâu nhờ chút ít kiến thức mẹ biết, mẹ có thể giúp ai đó khi cần thiết.
Con biết không, mẹ có rất nhiều điều ân hận khi mẹ buông con một thời gian để chạy theo công việc kiếm tiền. Mẹ không dậy kỹ cho con một kỹ năng sống cho thực tế và để làm một người có trái tim bao dung. Mẹ chỉ biết bù đắp những gì mẹ thấy có lỗi với con trong khoảng thời gian ấy bằng chính sức lực và tình yêu của mẹ cho con, chứ không dậy con nấu ăn, quản lý một gia đình và cái cách đối nhân xử thế vị tha rộng lương. Nhưng số phận cũng cho mẹ một điều may mắn là cho con một năng khiếu mỷ thuật giỏi hơn người khác – để thỉnh thoảng con kiếm được chút ít tiền bằng chính khả năng của con để trang trải tiền học hành hai năm cuối  đại học thứ hai của con.
Cho dù mẹ con mình không hợp tính nhau, nhưng mẹ hy vọng thời gian này, khi mẹ đã chuyển công ty về nhà, mẹ có thể có thêm nhiều thời gian để kèm cặp con những  kỹ năng bình thường của đứa con gái – sau này có chồng, có con cũng sẽ tự biết xoay sở mà chăm lo cho cái gia đình nhỏ của con trong tương lai. Nhưng mẹ mong mỏi nhất ở con là con đừng bao giờ trở thành người quá thực dụng và vô cảm, những cái đó sẽ giết chết cảm hứng sáng tạo của con- cái cảm hứng mà nghề con chọn lựa đòi hỏi con phải có.

19 nhận xét:

  1. Dạy con thời nay cần kiến thức,tâm lý và tình thương... hơn là "áp đặt" kinh nghiệm bị "bạo hành",cơ hàn..của bản thân.
    Văn của bà hôm nay buồn man mác,nỗi buồn của cô đơn.

    Trả lờiXóa
  2. Hình như là thế Mít ạ. hình như nước mắt đang mòng mọng sắp rơi......

    Trả lờiXóa
  3. Vậy thì khóc một chút cho vơi nỗi buồn rồi mời bạn bè đến chơi cho có tiêng cười.

    Trả lờiXóa
  4. Chạy lên máy bay, bay dzìa hỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Nhắc thời xưa nghe buồn. Em 6 tuổi đã nấu cơm thành thạo, biết nhóm lửa và chắt nước cơm đàng hoàng. Giờ nhớ lại giật mình, may là không làm cháy nhà hay bị phỏng lửa.

    Trả lờiXóa
  6. ...em thích đọc bài này của chị... chan chứa tình mẹ, một chút chua cay và một chút tha thiết với quá khứ... và gút lại dù chưa trọn vẹn trong cách dạy bảo nhưng vẫn tự hào vì bé đã lớn lên và được như hôm nay.. Em chúc chị sẽ nghĩ và vui hơn, chứ đừng thêm sự xót xa nhiều cho những điều còn chưa trọn vẹn trong tất cả chị nhé...

    Trả lờiXóa
  7. đọc và im lặng, thở dài... chắc không thề còm gì được vì ý của bài này lớn quá Hương ạ, và thiêng liêng nữa, của tình mẫu tử, nhất là đứa trẻ cực khổ trăm chiều ngày xưa bây giờ đã là 1 người mẹ...

    Trả lờiXóa
  8. Em cũng như anh walkinclouds và em chỉ có thể cảm nhận được tình thương yêu và sự lo lắng của chị dành cho con mà thôi!

    Trả lờiXóa
  9. Thư đến muộn ...thời đó có nhiều cơ hội để bị bắt phải cong đuôi làm này làm nọ ...thời giờ khác rồi bà ưi ..trước khi bà viết thư này ..là chính bà đã tập cho nó hưởng thụ suốt 26 năm nay ..26 tuổi .. nó đã khôn ngoan hay dại đi được rồi ...tập tành gì nữa .

    Trả lờiXóa
  10. Yên tâm đi chị, những người làm nghệ thuật chân chính thường là người sống rất tình cảm, nếu không muốn nói là rất đa sầu đa cảm...

    Rồi sẽ đến lúc con gái chị thật sự trưởng thành ...

    Trả lờiXóa
  11. Nó giỏi hơn con rồi, biết nấu ăn :D

    Trả lờiXóa
  12. Tam ly ?
    Na - viet cho con gai thoi nay nhu vay, no khong them doc dau,
    Co hu, lac hau, thoi me khac, thoi con khac,
    Hai the he, khong noi chuyen voi nhau duoc.

    Trả lờiXóa
  13. đọc củm động ghia ...
    hùi nhỏ, Su cũng bik làm đủ thứ đó, nấu cơm bếp dầu, làm thức ăn, may vá thêu thùa không thiếu gì ...
    giờ thì quên hết òi . thực ra học những kỹ năng đó không khó, khi hoàn cảnh tới thì sẽ làm được thui mừ.

    Trả lờiXóa
  14. chia xẻ với bà nhé .. hy vọng cô con giá rượu sẽ hiểu và thông cảm nhiều hơn cho mẹ nó...
    hồi đó tui cũng biết nấu cơm, luôc rau, chiên trứng đó nhe ... hehehe

    Trả lờiXóa
  15. Tôi hay nấu cơm bằng rơm lúa...khó hơn dùng củi !!!
    mỗi người mỗi tính cộng lại mới thành gia đình "đa di năng"...càng hay!

    Trả lờiXóa
  16. Tui nấu rơm cực giỏi bác ơi!

    Trả lờiXóa