Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

ĐỂ ĐẤT NƯỚC MÃI MÃI ĐỨNG LÊN


Sớm nay trời trong nắng đẹp, chúng tôi tới thăm Giáo xứ Vinh Sơn. Xe chạy chừng 30 phút, đường qua cổng Trung Đoàn 66, trung đoàn cũ của tôi có từ những ngày đầu Chống Pháp, đến thời Chống Mỹ, nó như một sinh vật tự tách phôi thành 2 Trung đoàn: 66A và 66B, định ghé thăm nhưng nó không phải mục đích của chuyến đi.
Khu vực nuôi dạy trẻ mồ côi nằm ngay sát nhà thờ do Giá (Soeur) Gabrielle, người Ba Na, năm nay đã 72 tuổi trông coi. Các cháu ở đây được nuôi ăn và học tùy theo lớp, còn phải lao động tự nuôi mình, hoàn toàn tự cung tự cấp. Chuyến đi cứu trợ do con gái tôi vận động lấy đây là mục tiêu chính. Trước khi chúng tôi đến giáo xứ, thì đã có đại diện ở ngay Kon Tum tiếp xúc với nạn nhân lũ lụt nhiều lần, lần này được trực tiếp cả hai phía đều xúc động. Giá nhanh nhẹn chạy lên chạy xuống giới thiệu nơi ăn chốn ở, phòng học của các cháu. Các cháu vây quanh Đoàn, trao đổi với chúng tôi bằng tiếng Kinh, các cháu nói riêng với nhau bằng tiếng Ba Na. Thấy tôi có bộ râu trắng các cháu nắm tay tôi và kêu bằng Bok, đó là cách xưng hô kính trọng với người già. Với người Ba Na từ bok trước kia chỉ để gọi Bok Hồ (Bác Hồ). Một cháu gái tròng vào tay tôi chiếc vòng đồng rất đẹp, chưa kịp cảm ơn cháu thì ai đó đã lanh miệng giới thiệu: Đây là chiếc vòng cầu hôn, (chắc người đó nghĩ tới một bài hát của Trần Tiến). Còn tôi, tôi muốn bỏ vào dấu huyền cho chiếc vòng và gọi đó là chiếc vòng “cầu hồn”, mới hợp cảnh của ông cháu tôi.
Trong vòng vây đầm ấm của các cháu, chúng tôi không còn cảm thấy xa lạ, như người tha hương lâu ngày, gặp lại con cháu trong một cuộc trùng phùng. Tôi thoáng nghĩ tới Đinh Núp, người anh hùng đã kêu gọi dân tộc Ba Na đứng lên chống Pha Lang Sa (Pháp), thời cách đây đã 60 năm, gian nan, đói cơm, đói muối mà trong tim luôn ấp ủ hình bóng Bok Hồ và một niềm tin thắng lợi.
Trần Quý đã viết hẳn một bài ca về Anh Hùng Núp, và Nguyên Ngọc cũng đã lấy Núp làm nguyên mẫu cho tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của anh. Đinh Núp là người vùng này, địa bàn hoạt động của anh ngay chính trên quê hương anh, anh đã cùng đồng bào của anh vượt qua gian khó để đánh thắng giặc Pháp. Thắng giăc rồi, sống trong những ngày cuối đời Đinh Núp cũng được lãnh đạo đia phương cấp cho một căn nhà, anh cũng không đòi hỏi gì, chấp nhận một cuộc sống không thể đạm bạc hơn. Những người lãnh đạo địa phương hẳn cũng thấy thế nên khi có đoàn khách nước ngoài viếng thăm, họ đã vội vàng chở đến cho Núp các tiện nghi khác, như ti vi, tủ lạnh v.v… các thứ mà trong gia đình họ đều có và không có thứ nào đơn chiếc. Tôi nghe nói khi khách viếng thăm đi rồi, họ lại cho xe đến chở những thứ đó đi để cho nhà Núp được thoáng mát như hồi còn ở trong rừng trong buôn.
Có người hỏi Núp những thứ đó đâu rồi? Núp thản nhiên:
“Không phải của miềng. Của nó, nó chở đến rồi lại chở đi chớ sao nữa?”
Thời đánh giặc là thời đất nước đứng lên, còn bây giờ hòa bình rồi là thời đất nước ngồi xuống, ngồi dãi thẻ ra mà đong đếm những gì đã dành được, mà tính toán miếng thiệt miếng hơn, so đo không muốn ai hơn mình, nhưng vẻ ngoài vẫn tỏ ra vô tư như vô sản vậy.

Mảnh đất một thời đã đứng lên, giờ sau cơn lũ khốc liệt. Mức nước dâng sát cầu treo sông Dakbla, hàng 10 mét chiều cao, quét đi tất cả những gì nằm trong lòng lũ, những gì chắn đường cơn lũ, những gì mà nó gặp phải. Hoa mầu, cây cối, nhà cửa, sinh vật, tất tần tật đều làm mồi cho lũ. Cơn lũ đi qua rồi chỉ còn cảnh hoang tàn xác xơ và những câu chuyện kể đầy tính thương tâm và khủng khiếp. Sau thiên tai, mảnh đất này gần như nằm bẹp hẳn xuống và khó gượng dậy nổi nếu như không có chuyện tiếp cứu kịp thời.
Cả nước rúng động trước tin dữ. Những mạng sống chấp chới đó đây, ai có trong tay cái phao ắt phải ném ngay cho người cần cứu, đó là sự tự phát của lòng nhân ái. Hà cớ chi phải tập trung phao lại cho có tổ chức rồi mới ném theo kế hoạch? Liệu lúc đó các nạn nhân còn đủ sức mà với tới phao hay không? Đó là sự vô cảm của những người “bình chân như vại” trước hoạn nạn của người khác nhưng lại được khoác áo tổ chức nhân đạo.
Các cháu mồ côi được Giáo xứ Vinh Sơn và Giá Gabrielle lo cho từng miếng cơm manh áo, còn lâu lắm các cháu mới nên người hữu ích cho Xã hội, nhưng đã sớm tự phải hữu ích với chính mình để tồn tại. Các cháu cần rất nhiều sự chi viện của mọi người, chính các cháu sẽ biết quản lý và phân phối hợp lý cho cộng đồng của mình.
Các cháu ở Vinh Sơn nói riêng và các cháu ở Kon Tum , cúng như ở những nơi cần quan tâm khác, rất mong sự trợ giúp vô tư của cộng đồng để cho một ngày các cháu có thể đứng lên cùng đất nước.
Thích Ảo Diệu.

6 nhận xét:

  1. Bác viết rất chân thật và có lòng, có hồn. Cho phép Walk được chào và cám ơn bác, Hương nhé

    Trả lờiXóa
  2. Nhờ có blog mà em có them papa từ bốn năm nay á anh.

    Trả lờiXóa
  3. Ka đọc thấy thích là em thấy vui lắm. Em không thể viết được, để bố em viết đi cho nó lành.

    Trả lờiXóa
  4. Đó là điều "mong ước" thôi! Đã đứng lên được đâu? Mà mong mãi mãi!
    Nhiệm vụ của những người như bác là ghi lại những "trang nhật ký đời", để mai sau con cháu biết TA đã sống như thế nào, đất nước đã từng như thế nào...Đừng để mọi cái trôi tuột đi khi người ta chỉ cần "đốt sách" "cấm nói"...Những trang nhật ký đẫm máu, rồi đẫm nước mắt! Nhưng rất cần.

    Trả lờiXóa